Đái tháo đường được phân loại như thế nào?

Đái tháo đường được phân loại như thế nào?

Đái tháo đường là căn bệnh có tỷ lệ tử vong đứng thứ ba trong số bệnh không lây truyền với số ca mắc tăng lên một cách chóng mặt và sự trẻ hóa của người bệnh, trở thành một vấn đề chung của toàn xã hội. Vì thế mỗi chúng ta cần nâng cao hiểu biết đối với đái tháo đường nói chung , cách phân loại nhóm bệnh đái tháo đường nói riêng để phòng tránh hợp lý.

Phân loại đái tháo đường

Đái tháo đường nằm trong nhóm bệnh lý chuyển hóa do tăng glucose trong máu gây thiếu hụt bài tiết insulin, khiếm khuyết trong hoạt động của insulin hoặc cả hai dẫn đến suy yếu chức năng của nhiều cơ quan. Dựa trên cơ chế bệnh sinh, hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), đái tháo đường được chia thành 4 loại:

1.1.Đái tháo đường type 1

Thường khi nhắc đến đái tháo đường, chúng ta thường nghĩ là căn bệnh này chỉ những người lớn tuổi mới mắc phải hay những người béo phì nhưng liệu có đúng không? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là bệnh thiếu hụt insulin tuyệt đối là một rối loạn tự miễn mãn tính xảy ra ở những người trẻ. Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 1 chiếm từ 5-10% trên tổng số ca mắc đái tháo đường.

Nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường type 1 là do người bệnh có hệ gen nhạy cảm (có kháng nguyên HLA-DR3, HLA-DR4) hay do môi trường tác động như virus (Coxsackie B, Cytomegalovirus…), thức ăn (sữa bò, cafein…), điều kiện sống (nhiễm khuẩn, stress, thường xuyên tiếp xúc với chất độc..). Hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế β trong tiểu đảo Langerhans của tuyến tụy, phá hủy hoặc gây tổn thương cho tụy đủ để giảm thiểu và tiến tới loại bỏ sản xuất insulin .

Một số biểu hiện thường gặp ở người bệnh đái tháo đường type 1 như: nhanh đói, uống nước rất nhiều, ăn nhiều nhưng sụt cân không có chủ ý, mệt mỏi, có thể dẫn đến thay đổi tâm trạng.

1.2. Đái tháo đường type 2

Khác với đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2 lại thường bắt gặp ở những người béo phì hay những người lớn tuổi nhưng hiện đang có xu hướng trẻ hóa.

Đái tháo đường type 2 hay còn gọi là bệnh thiếu insulin tương đối chiếm gần đến 90% số ca mắc đái tháo đường. Bệnh do insulin không phát huy được tác dụng nói cách khác là do sự thiếu hụt insulin tiến triển trên nền kháng insulin.

Phân loại đái tháo đường theo ADA
 Phân loại đái tháo đường theo ADA

1.3. Đái tháo đường thai kỳ

Mang thai là một khoảng thời gian vô cùng quan trọng, quyết định sự phát triển của bé. Thời điểm này mẹ dẫn dễ mắc các bệnh lý nên cần hết sức cẩn trọng và một bệnh lý khá hay thường gặp hiện nay là đái tháo đường thai kỳ.

Đái tháo đường thai kỳ được chẩn đoán trong giai đoạn 2 (tháng 4,5,6) và 3 (tháng 7,8,9) của thai kỳ mà không phải đái tháo đường thật sự. Xảy ra khi phụ nữ chưa từng mắc đái tháo đường nhưng khi mang thai lại có nồng độ đường trong máu cao. Bệnh có thể hết sau khi sinh nhưng một số trường hợp bệnh biến đổi thành đái tháo đường type 2.

Nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường thai kỳ là do sự thay đổi hormone khi mang thai khiến cơ thể ít nhạy cảm với insulin dẫn đến sự thiếu hụt insulin.

Một số biểu hiện thường gặp tương đối đặc trưng của đái tháo đường như khát nước, đi tiểu nhiều, thường nhanh đói, thèm ăn.

1.4. Một số bệnh đái tháo đường đặc hiệu khác

Ngoài ba nhóm bệnh đái tháo đường chính được nêu ra ở bên trên còn có một số bệnh đái tháo đường do các nguyên nhân đặc biệt khác gây ra.

Hay gặp hơn nhất trong nhóm này có thể kể đến đái tháo đường đơn gen, là đái tháo đường sơ sinh xảy ra ở trẻ từ 0-1 tuổi và đái tháo đường của người trẻ khởi phát ở tuổi trưởng thành (MODY). Nguyên nhân do một đột biến đơn lẻ gây ra khiến tuyến tụy sản xuất ít insulin hơn bình thường.

Không chỉ vậy, bệnh đái tháo đường còn xảy ra ở một số bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến hoạt động  của tuyến tụy ngoại tiết như xơ hóa tuyến tụy do thiếu hụt cả insulin và glucagon nhưng nhu cầu sử dụng insulin cao hơn bình thường.

Ngoài ra, một vài cảm ứng đối với thuốc và hóa chất trong quá trình điều trị bệnh như điều trị HIV/AIDS hoặc sau ghép tạng cũng có khả năng dẫn đến bệnh đái tháo đường.

Tiêu chí chẩn đoán bệnh đái tháo đường

Bệnh nhân muốn xác định mình có mắc bệnh đái tháo đường hay không cần khám và xét nghiệm các chỉ số đường huyết để biết chính xác tình trạng của mình. Từ đó, bác sĩ đưa ra những kết luận về diễn biến bệnh dựa trên các tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường dưới đây.

2.1. Tiêu chí chẩn đoán tiền đái tháo đường

Theo WHO và IDP, để chẩn đoán tiền đái tháo đường cần xét nghiệm các chỉ số với tiêu chuẩn sau đây:

  • Chỉ số đường huyết khoảng 100-125 mg/dL lúc đói (rối loạn glucose).
  • HbA1c từ 5,7 đến 6,4%.
  • Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống có chỉ số đường huyết glucose sau 2 giờ từ 140-199 mg/dL (rối loạn dung nạp glucose).

 

Bảng tiêu chí đánh giá chỉ số đường huyết trong chẩn đoán đái tháo đường
Bảng tiêu chí đánh giá chỉ số đường huyết trong chẩn đoán đái tháo đường

2.2. Tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hội đái tháo đường Mỹ (ADA) thì bệnh nhân mắc đái tháo đường sẽ có 1 trong 3 chỉ số sau:

  • Chỉ số đường huyết khi đói lớn hơn 125 mg/dL.
  • HbA1c ≥ 6.5%.
  • Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống có chỉ số đường huyết sau 2 giờ ≥ 200 mg/dL kèm theo các triệu chứng đặc trưng của đái tháo đường như: Thường cảm thấy khát nước, nhanh đói, hay thèm ăn nhưng cân nặng lại có xu hướng giảm không chủ đích và tiểu nhiều dẫn đến mất nước. Tinh thần luôn trong trạng thái mệt mỏi, thị lực giảm. Vết thương lâu lành. Cảm giác tê hoặc ngứa các đầu tứ chi.

2.3. Tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

Với đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ đánh giá các yếu tố nguy cơ mắc bệnh để đề nghị bạn thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán dựa trên những tiêu chí sau:

  • Chỉ số đường huyết khi đói lớn hơn 125 mg/dL.
  • HbA1c ≥ 6.5%.
Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ
Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ
  • Nếu chỉ số đường huyết lúc đói < 90 mg/Dl thì đến tháng 6-7 cần làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.
  • Nếu trong giai đoạn 2 và 3 của thai kỳ, HbA1c < 6% sẽ gây nguy hiểm thấp đến sản phụ và sự phát triển của thai nhi. Do sự thay đổi sinh lý và sự thay đổi của hồng cầu trong máu, mức độ HbA1c cần được theo dõi hàng tháng để đảm bảo cho sức khỏe của mẹ và bé.

Trên đây là một số cách phân loại và các tiêu chí chẩn đoán của đái tháo đường nhằm cung cấp thông tin để người đọc có một cái nhìn tổng quan nhất về bệnh. Từ đó, chúng ta cần xây dựng lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *