Đái tháo đường nằm trong nhóm bệnh chuyển hóa phát triển nhanh nhất, luôn bị đe dọa bởi các biến chứng như hôn mê, nhiễm toan, hạ đường huyết, rối loạn chức năng các cơ quan trong cơ thể… Tìm hiểu kỹ nguyên nhân mắc bệnh đái tháo đường để biết cách phòng tránh hiệu quả cho bản thân và người xung quanh.
Bệnh đái tháo đường là gì? Được chia thành những loại nào?
Đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa có đặc điểm là tăng glucose máu, hậu quả của sự thiếu hụt bài tiết insulin, khiếm khuyết trong hoạt động của insulin hoặc cả hai.
Phân loại đái tháo đường
Đái tháo đường typ 1: Xảy ra ở người trẻ, phần lớn từ 10 – 20 tuổi. Tỷ lệ đái tháo đường typ 1 trên thế giới rơi vào khoảng 8-9%.
Đái tháo đường typ 2: Thường xảy ra ở người trên 35 tuổi. là loại phổ biến nhất chiếm tới 90% tỷ lệ những người bị bệnh đái tháo đường.
Đái tháo đường thai kỳ và các typ đái tháo đường đặc hiệu khác: thường gặp ở phụ nữ có thai có đường huyết tăng hoặc giảm dung nạp glucose, gặp khi có thai lần đầu và thường mất đi sau đẻ. chỉ chiếm tầm 1-2%.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường typ 1
Đái tháo đường typ 1: do tế bào β tuyến tụy bị phá hủy và chết đi nên không thể sản xuất được insulin dẫn đến sự thiếu hụt insulin hoàn toàn.
Trong đái tháo đường typ 1 thì tế bào β tuyến tụy bị phá hủy theo cơ chế tự miễn, xảy ra ở những người có tính mẫn cảm di truyền kết hợp với các yếu tố môi trường. Hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào β trong tuyến tụy, phá hủy hoặc gây tổn hại cho tụy đủ để giảm thiểu và tiến tới loại bỏ sản xuất insulin.
Quá trình sinh bệnh của ĐTĐ typ 1 được bắt đầu ở các cá thể có hệ gen nhạy cảm (có kháng nguyên HLA- DR# và HLA- DR4). Yếu tố môi trường sẽ đóng vai trò khởi phát quá trình bệnh lý trên những người này. Những tác nhân môi trường thường được đề cập nhất là virus quai bị, rubella, tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ Vacor,…
Dưới tác động của môi trường, hệ thống miễn dịch được hoạt hóa, tấn công vào các đảo tụy. Quá trình phá hủy diễn ra trong vài năm hoặc thậm chí chỉ trong vài tháng. Khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện thì hầu hết các tế bào β tụy đã bị hủy hoại, khả năng tiết insulin của tế bào β còn lại ít và cạn kiệt dần.
Đái tháo đường typ 2
Đái tháo đường typ 2: do thiếu hụt sự bài tiết insulin tiến triển trên nền kháng insulin. Ở đây có sự khiếm khuyết trong hoạt động của insulin, thiếu hụt một cách tương đối về insulin.
Sự thiếu hụt tương đối được đặc trưng bởi 2 yếu tố: Kháng insulin và rối loạn bài tiết insulin kết hợp với nhau.
Ngoài ra, các yếu tố như gen, ít vận động thể lực, béo phì (đặc biệt là béo bụng) ,.. đóng vai trò thúc đẩy bệnh đái tháo đường typ 2 phát sinh, phát triển, có liên quan chặt chẽ với tình trạng kháng insulin. Bệnh cũng thường xảy ra ở những người có tiền sử đái tháo đường trong gia đình.
- Kháng insulin: Tác dụng của insulin được điều hòa bởi nồng độ insulin, đặc biệt khi mức insulin thường xuyên cao như tăng insulin máu sau ăn, trong bệnh u đảo tụy, béo phì,.. Đây là hiện tượng giảm nhạy cảm insulin (kháng insulin) được tìm thấy ở các bệnh nhân đái tháo đường typ 2. Vậy nên giảm cân, đặc biệt giảm béo bụng có thể làm tăng nhạy cảm với insulin.
- Rối loạn tiết insulin:
+ Hiện tượng tăng insulin máu bù trừ hiện tượng kháng insulin, tuyến tụy tăng bài tiết insulin máu nhưng không đưa được insulin vào trong tế bào.
+ Tăng tiền chất dạng không có hoạt tính.
+ Mất tính chất tiết insulin theo từng đợt. Thông thường khi ăn vào trong bữa ăn nạp một lượng lớn glucose vào trong bữa ăn thì lập tức tụy sẽ bài tiết insulin vào ngay sau bữa ăn để đưa glucose trong máu về bình thường.
Đối với bệnh nhân bị ĐTĐ typ 2 thì insulin ở trong máu không được bài tiết ngay sau khi ăn nên nồng độ glucose máu sau ăn tăng rất cao và bệnh nhân thường hay xảy ra những biến chứng do nồng độ glucose máu tăng quá cao. Hậu quả là dẫn đến thiếu insulin tương đối.
Đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ: đây là bệnh đái tháo đường được chẩn đoán trong giai đoạn 2 và 3 của thai kỳ, mà không phải đái tháo đường thật sự.
Bình thường những người này không có biểu hiện của đái tháo đường, khi mang thai thì những chuyển hóa trong cơ thể thay đổi dẫn đến bệnh đái tháo đường, nó thường xảy ra từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 9 của thai kỳ.
Những triệu chứng nổi bật của bệnh đái tháo đường
- Ăn nhiều.
- Khát nước và uống nhiều.
- Đái nhiều.
- Giảm cân đột ngột, chủ yếu do mất nước.
- Tai biến mạch máu não.
- Thị lực giảm.
- Suy tim.
- Suy thận mạn.
- Tắc mạch gây hoại tử ở các chi .
- Rối loạn cảm giác, vận động.
Biện pháp phòng ngừa bệnh đái tháo đường
- Có chế độ ăn uống hợp lý:
+ Nên dùng đường đa (tinh bột, VD: cơm), hạn chế đường đơn (bánh kẹo ngọt, hoa quả ngọt).
+ Hạn chế mỡ động vật, nên dùng dầu thực vật, cá.
+ Hạn chế phủ tạng động vật, trứng.
+ Kiêng rượu bia.
- Vận động thể lực: Vận động hàng ngày, mức độ tương đương nhau. Phụ thuộc lứa tuổi, tình trạng tim mạch. VD: đi bộ.
- Kiểm soát đường huyết: Kiểm tra đường huyết thường xuyên để có thể điều chỉnh chế độ ăn hợp lý.
- Khám định kỳ:
+ Theo dõi đường huyết bằng máy cá nhân hàng tuần.
+ Khám định kỳ 3 tháng/ lần.
+ Giúp phát hiện kịp thời các biến chứng.
Trên đây là những thông tin cơ bản về đái tháo đường và nguyên nhân dẫn đến các bệnh đái tháo đường. Hãy điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống của bản thân và những người xung quanh để phòng ngừa đái tháo đường một cách hiệu quả nhất nhé.