Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin (hay bệnh đái tháo đường type 2) là một căn bệnh mãn tính đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt với những người lớn tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, căn bệnh này có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này, cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin tổng quan về bệnh lý này nhé!
Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin là gì?
Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin (đái tháo đường type 2) là một tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến quá trình cơ thể sử dụng lượng đường ở trong máu.
Không giống như đái tháo đường type 1, khi hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, bệnh đái tháo đường type 2 xuất hiện khi cơ thể có hiện tượng kháng insulin hoặc không sản xuất đủ insulin đáp ứng nhu cầu cần thiết. Tình trạng này sẽ dẫn đến tăng lượng đường trong máu, thời gian dài có thể gây biến chứng làm hỏng các cơ quan và mô khác trong cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin
Nguyên nhân chính xác của bệnh lý này đến bây giờ vẫn chưa được làm rõ chính xác. Nhiều nhà khoa học cho rằng nguồn gốc của căn bệnh này bao gồm yếu tố di truyền, các vấn đề liên quan đến môi trường sống và tình trạng sức khỏe của người bệnh, có thể kể đến như:
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Lối sống ít vận động.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường.
- Độ tuổi trên 40.
- Bị mắc các bệnh lý như huyết áp cao hoặc mức cholesterol cao…
Triệu chứng và phương pháp chẩn đoán bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh có thể khác nhau ở mỗi người, một số người thậm chí không gặp bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào. Tuy nhiên, các biểu hiện phổ biến mà bệnh nhân thường cảm nhận được bao gồm:
- Tăng cân, cảm giác đói và thèm ăn nhiều hơn bình thường.
- Tăng khát nước và đi tiểu thường xuyên.
- Mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
- Suy giảm thị lực, mờ mắt.
- Tê, ngứa ở bàn tay hoặc bàn chân.
- Vết thương lâu lành, dễ mắc các căn bệnh nhiễm trùng.
- Khô miệng và da.
Cần phải lưu ý rằng tình trạng của bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin diễn biến rất chậm, có thể lên tới vài năm. Thông thường trong thời gian đầu, bệnh nhân gần như không phát hiện được dấu hiệu gì khác thường. Vì vậy, kiểm tra đường huyết thường xuyên và định kỳ là điều vô cùng cần thiết để có thể phát hiện sớm bệnh lý này.
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin, các cơ sở y tế có thể thực hiện các xét nghiệm để đo lượng đường trong máu, chẳng hạn như xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói (FPG) hoặc xét nghiệm dung nạp glucose (OGTT)…
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy lượng đường trong máu cao hơn bình thường, bệnh nhân có thể phải thực hiện một số xét nghiệm bổ sung, chẳng hạn như xét nghiệm A1C để đo lượng đường trong máu trung bình trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tháng…
Điều trị và phòng chống bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin
Phương pháp điều trị
Nếu không may mắn mắc bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin, dưới đây là một số phương pháp bạn có thể áp dụng để điều trị và hạn chế những tác động xấu của căn bệnh này:
- Tạo một lối sống lành mạnh: Có một chế độ ăn hợp lý, tăng cường thể dục thể thao và áp dụng các phương pháp giảm cân hợp lý là những cách có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin của cơ thể, từ đó giảm lượng đường trong máu một cách hiệu quả
- Thuốc uống: Nếu chỉ thay đổi lối sống không đủ làm hạ chỉ số đường huyết, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống giúp bạn kiểm soát tốt hơn tình trạng này. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách cải thiện độ nhạy insulin, kích thích tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn hoặc làm chậm quá trình hấp thụ glucose trong ruột…
- Liệu pháp insulin: Trong một số trường hợp, những người mắc bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin có thể phải bổ sung thêm insulin từ bên ngoài vào cơ thể (có thể qua đường tiêm), nhờ đó điều chỉnh lượng đường trong máu về mức bình thường.
Phòng ngừa đái tháo đường không phụ thuộc insulin
Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin, nhưng có một số cách bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ phát triển của bệnh lý này:
- Tập thể dục thường xuyên: Đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần có thể giúp cải thiện bạn độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu.
- Tạo thói quen ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn ít thực phẩm chế biến sẵn và nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2. Chăm sóc sức khỏe tinh thần thông qua thiền hoặc yoga có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đi đáng kể.
Và trên đây là một số kiến thức về bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Hi vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để phòng chống và điều trị căn bệnh này hiệu quả hơn!