Theo số liệu ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) cứ 10 người trưởng thành thì sẽ có một người mắc đái tháo đường và cứ mỗi 6 giây trên thế giới sẽ có một người tử vong vì căn bệnh nguy hiểm này. Trong đó số ca tử vong do biến chứng của đái tháo đường type 2 chiếm tỷ lệ cao nhất. Vì vậy, việc tìm hiểu về biến chứng của đái tháo đường type 2 và cách phòng tránh chúng là điều cần thiết.
Đái tháo đường type 2 là gì?
Đái tháo đường type 2 (hay còn gọi là thiếu insulin tương đối) do thiếu hụt sự bài tiết insulin tiến triển trên nền kháng insulin, nhưng chỉ cần 1 lượng nhỏ insulin cũng có thể ngăn chặn được những rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là việc chuyển hóa nhanh chất béo tạo thể ceton.
Bản chất của đái tháo đường là rối loạn chuyển hóa glucid nhưng kéo theo các rối loạn chuyển hóa khác như chuyển hóa lipid, protid. Khi glucose tăng trong máu (>11,1 mmol/l) khiến mô mỡ và cơ không thể sử dụng glucose hiệu quả, thiếu hụt glucose làm cơ chóng mỏi.
Và lúc này, các mô khác cũng mất khả năng thu nạp lượng glucose có thể dẫn đến hôn mê mà làm giảm cung cấp máu cho não gây tụt huyết áp, hôn mê, tử vong và gây tổn thương cho nhiều cơ quan khác như tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh….
Những biến chứng của đái tháo đường type 2 bạn cần biết
Đái tháo đường type 2 là một trong số những căn bệnh không truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới với xu hướng trẻ hóa. Cơ chế chính của bệnh là sự gia tăng đường huyết trong máu cao kéo theo một loạt các biến chứng nguy hiểm đi kèm.
Biến chứng cấp tính của đái tháo đường type 2
Những biến chứng cấp tính người mắc đái tháo đường type 2 phải đối mặt nguy hiểm như thế nào? Diễn biến nhanh, phức tạp, khó phát hiện sớm nên chỉ trong thời gian ngắn sẽ đe dọa đến tính mạng người bệnh. Một vài biến chứng cấp tính của đái tháo đường type 2 thường gặp:
- Nhiễm toan ceton hay còn gọi là nhiễm độc do máu lúc này đã bị toan hóa (nồng độ acid trong máu tăng cao), là sản phẩm của những chuyển hóa dở dang do thiếu insulin. Nếu không được bổ sung insulin kịp thời ceton ra nước tiểu và có thể rơi vào tình trạng tử vong.
- Tăng áp lực thẩm thấu khi đường huyết trong máu tăng cao do nạp nhiều carbohydrate sau bữa ăn (> 11,1 mmol/l) có thể dẫn đến hôn mê – đây là một trong những biến chứng của đái tháo đường type 2 nặng, dễ dẫn đến tử vong nên người bệnh cần được cấp cứu khẩn cấp. Ngoài ra việc tăng áp lực thẩm thấu cũng khiến cho nước bị kéo ra bên ngoài nhiều gây mất nước nội bào làm người bệnh thấy khát, uống nhiều nước hơn.
- Hạ đường huyết xảy ra khi đường huyết thấp (< 3,6 mmol/l) do sử dụng thuốc hạ đường huyết quá liều, ăn uống kiêng quá mức hay dù không ăn vẫn dùng thuốc hoặc tập luyện quá sức, uống quá nhiều rượu. Lúc này, bệnh nhân sẽ đói cồn cào, mệt mỏi, run tay chân, bủn rủn, vã mồ hôi, đầu óc quay cuồng do choáng váng….dẫn đến hôn mê và nặng hơn là tử vong.
Biến chứng mạn tính của đái tháo đường type 2
Các biến chứng mạn tính của đái tháo đường type 2 là do tăng đường huyết mạn tính và rối loạn lipid máu. Vì vậy nếu người bệnh không tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để kiểm soát tốt lượng đường huyết thì lâu dài sẽ gây tổn thương đến mắt, tim, thận, thần kinh… và rất có khả năng dẫn đến tử vong.
Biến chứng của đái tháo đường type 2 trên tim mạch
Khi đường huyết tăng cao làm cho chất béo không được đưa vào mô mỡ nên mức lipid máu tăng, đặc biệt triglycerid, LDL ít bị ảnh hưởng nhưng HDL giảm làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, dễ tạo huyết khối. Những người mắc đái tháo đường type 2 có khả năng bị đột quỵ cao gấp đôi người bình thường.
Các yếu tố dẫn đến phát triển biến chứng của đái tháo đường type 2 trên tim mạch là do hút thuốc lá, huyết áp cao, nồng độ cholesterol xấu tích tụ gây tắc nghẽn mạch máu. Và đặc biệt dù khả năng tổng hợp protein có thể giảm nhưng bệnh nhân vẫn có thể thừa cân, béo phì.
Biến chứng của đái tháo đường type 2 trên thận
Đường huyết trong máu tăng cao vượt quá ngưỡng thận (180mg/dl) thì glucose có thể xuất hiện trong nước tiểu (glucose niệu). Mà glucose trong nước tiểu hoạt động như một chất lợi tiểu thẩm thấu mang theo một lượng lớn nước gây khát nước, tiểu nhiều làm bệnh nhân sụt cân.
Ngoài ra đái tháo đường còn ảnh hưởng đến chức năng của thận trong việc lọc và đào thải các chất thải dư thừa ra khỏi cơ thể. Lâu dài, có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống lọc của thận. Ở giai đoạn đầu bệnh nhân có thể tiểu ra đạm và nếu không phát hiện kịp thời để điều trị thì người bệnh sẽ dẫn đến suy thận nặng hay nguy hiểm hơn là tử vong.
Biến chứng của đái tháo đường type 2 trên thần kinh
Biến chứng của đái tháo đường type 2 trên thần kinh là một trong số những biến chứng phổ biến, thường xuất hiện sớm nhất khi mắc bệnh. Do nồng độ glucose trong máu tăng gây đa niệu thẩm thấu, gây khát, mất kali, tình trạng tăng thông khí (do nhiễm acid). Hậu quả là giảm cung cấp máu cho não, tổn thương các dây thần kinh trên toàn cơ thể như:
- Tổn thương dây thần kinh sọ gây sụp mi, lác mắt trong và liệt cơ mặt.
- Tổn thương thần kinh thực vật như nhồi máu cơ tim, liệt bàng quang, liệt dương, rối loạn chức năng tiêu hóa…
- Tổn thương các chi với các biểu hiện như tê bì, mất cảm giác, rối loạn cảm giác, teo cơ,… do thiếu dinh dưỡng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử buộc người bệnh phải cắt bỏ tứ chi hoặc gây nên tàn phế.
- Các bệnh khác có thể gặp như: bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh thần kinh gần (bệnh đa tiểu đường), bệnh thần kinh khu trú…
Biến chứng của đái tháo đường type 2 trên mắt
Mắc đái tháo đường type 2 trong thời gian dài sẽ tác động đến mắt với các biến chứng như bệnh võng mạc, phù hoàng điểm (thường phát triển cùng bệnh võng mạc đái tháo đường), đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, mất thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa.
Sự gia tăng đường huyết trong máu, huyết áp và cholesterol quá ngưỡng khiến bệnh võng mạc trở thành một trong số biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2. Và khi lượng đường huyết trong máu tăng cao sẽ phá hủy mạch máu trong võng mạc. Các mao mạch máu bị tổn thương, sưng lên, rò rỉ gây mờ mắt, ngưng lưu thông máu, giảm thị lực.
Mặc khác, đường huyết trong máu tăng cao trở thành một môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây suy giảm miễn dịch nên lúc này cơ thể dễ bị nhiễm trùng về răng, tiết niệu, sinh dục, vết loét lâu lành,… tình trạng viêm nhiễm này thường kéo dài, dai dẳng và khó điều trị.
Bản thân đái tháo đường type 2 là bệnh lý mãn tính kéo dài, chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát cũng như hạn chế các biến chứng khi bệnh nhân có sự hợp tác với bác sĩ.
Ngoài ra để cải thiện tình trạng sức khỏe, bệnh nhân nên xây dựng, duy trì một lối sống lành mạnh (như tập thể dục, hạn chế thực phẩm nhiều đường…); kiểm soát đường huyết và huyết áp; khám sức khỏe định kỳ. Trong thời gian điều trị tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, sử dụng thuốc của bệnh nhân khác, uống thuốc không rõ nguồn gốc,… gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
Trên đây là các thông tin về biến chứng của đái tháo đường type 2 được tổng hợp và cập nhật mới nhất năm 2023. Mong rằng những chia sẻ này sẽ hữu ích trong việc bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình!