Đái tháo đường hiện nay đang được xem như là một hiểm họa của nhân loại. Bệnh ngoài khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thường ngày mà còn là một căn bệnh mãn tính với những biến chứng làm tổn thương lâu dài đến mạch máu và các cơ quan khác. Bài viết này sẽ đưa ra những phương pháp hiệu quả để phòng ngừa biến chứng đái tháo đường.
Tổng quan về bệnh đái tháo đường
Năm 2021, liên chi đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF) cho biết trên toàn thế giới có đến 537 triệu người mắc bệnh đái tháo đường.
Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho biết có khoảng gần 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trong đó có hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng đái tháo đường.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường là do hiện tượng glucose tăng cao bất thường trong máu.
Thông thường sau khi ăn no lượng glucose sẽ tăng cao nhất và giảm xuống sau 1-2 giờ bởi sự chuyển hóa glucose thành năng lượng cho tế bào. Nhưng với người bị đái tháo đường thì lượng glucose của họ vẫn tăng cao sau khi ăn vài giờ thậm chí là cả ngày.
Một số triệu chứng hay gặp của đái tháo đường như mệt mỏi, ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, giảm cân mà không rõ nguyên nhân, vết thương lâu lành, dễ bị nhiễm trùng, tê bì tay chân, giảm thị lực, nhìn mờ,..
Những biến chứng hay gặp của đái tháo đường
Biến chứng đái tháo đường được chia thành 2 loại là biến chứng cấp tính và biến chứng mạn tính. Mỗi loại biến chứng sẽ có đặc điểm, mức độ nguy hiểm khác nhau.
Biến chứng cấp tính
- Hạ đường huyết: do sử dụng insulin để điều trị bệnh, hay nhịn ăn, luyện tập quá độ làm bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, da nhợt nhạt xanh tái, buồn nôn, co giật và có thể hôn mê.
- Hôn mê: do nhiễm toan lactic hay nhiễm toan ceton hoặc tăng áp lực thẩm thấu; bệnh nhân có các biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, mất nước, nhịp tim nhanh, vật vã, li bì, rơi vào trạng thái hôn mê,..
Biến chứng cấp tính của đái tháo đường nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến tử vong.
Biến chứng mãn tính
- Biến chứng ở da: bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn ngoài da và mắc các bệnh như u hạt vòng, mụn nhọt, phỏng nước, ban vàng,… bệnh kéo dài dai dẳng và dễ tái phát. Không những thế, bệnh nhân đái tháo đường còn hay bị viêm loét bàn chân và dễ bị nhiễm trùng hơn người bình thường.
- Biến chứng mắt: Các bệnh như bệnh võng mạc, đục thủy tinh thể, giảm thị lực hoặc có thể dẫn đến mù lòa rất hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Những biến chứng này không điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa.
- Biến chứng tim mạch: đây là biến chứng đái tháo đường dễ mắc phải ở bệnh nhân đái tháo đường với những biểu hiện như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim,…Nguy cơ bị đột quỵ ở người bị đái tháo đường cao gấp 1,5 lần người bình thường, vậy nên cần phải kiểm tra sức khỏe tim mạch thường xuyên để phòng ngừa và phát hiện sớm những biến chứng đái tháo đường nếu có.
- Biến chứng thận: Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bị suy thận cao hơn người bình thường gấp 10 lần, bên cạnh đó là những biến chứng như tăng huyết áp, phù, chán ăn, mệt mỏi,..
Cách phòng ngừa biến chứng đái tháo đường hiệu quả
Để phòng ngừa các biến chứng đái tháo đường thì việc cần làm nhất làm kiểm soát tốt đường huyết của bệnh nhân. Dưới đây là một số cách kiểm soát đường huyết mà các bệnh nhân đái tháo đường nên làm để phòng ngừa các biến chứng:
- Chế độ ăn phù hợp:
– Bệnh nhân nên ăn nhiều rau củ quả, đặc biệt là rau luộc, bổ sung chất đạm.
– Bệnh nhân vẫn cần phải ăn cơm nhưng ăn có mức độ, chia thành 4-6 bữa ăn nhỏ trong ngày, nên ăn thêm bữa tối để đảm bảo đường huyết khi đi ngủ.
– Hạn chế hết mức có thể các loại đồ ngọt vì dễ làm tăng đường huyết.
– Hạn chế ăn muối, các chất béo xấu và thức ăn chứa nhiều cholesterol như các loại thịt đỏ, trứng, sữa,…
- Hạn chế tối đa uống rượu bia và hút thuốc lá giúp giảm nguy cơ mắc nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch, đột quỵ,..
- Thường xuyên luyện tập thể dục: Việc vận động thường xuyên sẽ làm giảm đường máu và giúp giảm liều thuốc cho bệnh nhân.
- Bệnh nhân đái tháo đường cần được vận động hàng ngày với mức độ tương đương nhau. Tùy từng lứa tuổi và tình trạng tim mạch mà có chế độ luyện tập khác nhau. Bệnh nhân nên luyện tập bằng cách bơi lội, đi xe đạp, đi bộ,…tối thiểu 5 buổi/tuần.
- Kiểm soát tốt đường huyết là cần thiết để phòng ngừa biến chứng đái tháo đường cho bệnh nhân. Cần phải thường xuyên kiểm tra đường huyết, khuyến cáo là đo 7 lần/ ngày (trước và sau 3 bữa ăn chính và 1 lần trước khi đi ngủ) và từ đó tiến thành điều chỉnh chế độ ăn và sử dụng thuốc phù hợp.
- Giáo dục bệnh nhân giúp bệnh nhân hiểu rõ về kiến thức và cách chăm sóc bệnh đái tháo đường. Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của Bác sĩ chuyên khoa, đảm bảo nghiêm túc về liều lượng và thời gian điều trị.
- Bệnh nhân cần theo dõi đường huyết bằng máy cá nhân hàng tuần và đi khám định kỳ 1-2 tháng/lần để có biện pháp điều trị và phòng ngừa tốt nhất, đánh giá sơ bộ kết quả điều trị.
- Ngoài ra thì bệnh nhân cũng cần được thư giãn, ngủ đủ giấc, thoải mái tinh thần và lạc quan khi đối mặt với bệnh đái tháo đường.
Như đã nói ở trên thì bệnh đái tháo đường là một hiểm họa của nhân loại vì bệnh có những biến chứng nặng nề gây đe dọa tính mạng, giảm chất lượng cuộc sống. Vậy nên bệnh nhân cần tuân thủ đúng biện pháp kiểm soát đường huyết để phòng ngừa các biến chứng đái tháo đường tốt nhất.
Truy cập để biết thêm nhiều thông tin về bệnh đái tháo đường hơn nhé!