Trong giai đoạn đầu, dấu hiệu của bệnh tiểu đường không nhiều bởi sự khởi phát của đái tháo đường đường tuýp 2 diễn ra từ từ và các triệu chứng có thể nhẹ. Kết quả là nhiều người không nhận ra rằng họ đang bị bệnh. Trong bài viết này, chúng ra xem xét các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường cũng như tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm.
Dấu hiệu bệnh tiểu đường giai đoạn đầu
Đi tiểu thường xuyên
Khi đường huyết tăng, thận có nhiệm vụ loại bỏ lượng đường dư thừa bằng cách lọc nó ra khỏi máu. Như vậy, người bệnh sẽ đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt vào ban đêm.
Cơn khát tăng dần
Đi tiểu thường xuyên đồng nghĩa với việc cần bổ sung lượng nước cho cơ thể, lúc này bệnh nhân sẽ cảm thấy khát hơn bình thường.
Thường xuyên đói
Khi mắc bệnh tiểu đường, insulin đôi khi hoạt động không hiệu quả điều này khiến cho đường không thể vào tế bào để tạo năng lượng cho cơ thể. Vậy nên bệnh nhân sẽ cảm thấy đói liên tục.
Mệt mỏi
Bệnh tiểu đường tuýp 2 ảnh hưởng đến năng lượng tiêu thụ do lượng đường di chuyển từ máu vào tế bào của cơ thể không đủ nên khiến người bệnh mệt mỏi.
Mờ mắt
Khi đường huyết cao có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong mắt gây mờ mắt. Các mạch máu viêm dẫn tới sưng mắt hiện tượng này sẽ cải thiện sau khi lượng đường trong máu giảm. Nếu bệnh nhân tiểu đường không được điều trị, tổn thương ở mạch máu có thể trở nên nghiêm trọng hơn và cuối cùng có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
Chậm lành vết cắt và vết thương
Dây thần kinh và mạch máu của cơ thể bị tổn thương do lượng đường trong máu cao, từ đó giảm khả năng lưu thông máu. Như vậy, những vết cắt và vết thương nhỏ cũng có thể phải mất vài tuần hoặc vài tháng mới lành, vết thương lâu lành có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.
Ngứa, đau, tê ở tay hoặc chân
Tuần hoàn máu và dây thần kinh bị tổn thương do lượng đường trong máu cao. Dấu hiệu bệnh tiểu đường có thể là đau hoặc cảm giác ngứa ran hoặc tê ở tay và chân. Tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh và nó có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị sớm.
Các mảng da sẫm màu hơn
Dấu hiệu bệnh tiểu đường có thể nhận biết ở bệnh nhân là các mảng da sẫm màu hình thành trên nếp nhăn ở cổ, nách hoặc háng. Phần da này có thể mềm mại và mượt mà.
Ngứa và nhiễm trùng nấm men
Ở bệnh nhân tiểu đường hiện tượng nhiễm trùng rất dễ xảy ra do lượng đường dư thừa trong máu và nước tiểu là nguồn thức ăn dinh dưỡng của nấm men. Nhiễm nấm men thường xảy ra ở những vùng da ấm và ẩm như miệng, vùng sinh dục và nách. Các vùng này thường ngứa, bỏng, đổi màu da hoặc đau nhức.
Tầm quan trọng của chẩn đoán sớm
Nhận biết các dấu hiệu bệnh tiểu đường tuýp 2 giúp chẩn đoán và điều trị sớm hơn. Nếu thực hiện kế hoạch điều trị thích hợp như thay đổi lối sống và kiểm soát đường huyết có thể cải thiện đáng kể sức khỏe và chất lượng cuộc sống của một người đồng thời giảm nguy cơ biến chứng.
Nếu không được điều trị, lượng đường trong máu cao kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi đe dọa tính mạng:
- Bệnh tim, đột quỵ.
- Tổn thương dây thần kinh.
- Suy thận.
- Mất thị lực.
Việc kiểm soát đường huyết là chìa khóa quan trọng giúp ngăn ngừa các biến chứng trên . Bệnh tiểu đường không được điều trị cũng có thể dẫn đến hội chứng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết, đây là một biến chứng nặng của bệnh tiểu đường tuýp 2 gây nên tình trạng mất nước nghiêm trọng, tăng áp lực thẩm thấu máu, mất ý thức có thể dẫn đến hôn mê.
Tiểu đường là một tình trạng phổ biến gây ra lượng đường trong máu cao. Các dấu hiệu bệnh tiểu đường bao gồm mệt mỏi, đói, đi tiểu thường xuyên, khát nước nhiều và các vấn đề về thị lực. Bất cứ ai gặp các dấu hiệu trên nên liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm. Việc chẩn đoán sớm có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Xem thêm: Thời gian phát triển biến chứng tiểu đường là bao lâu? (dkbetics.com)