Bệnh đái tháo đường là gì? Những điều cần biết về bệnh đái tháo đường

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đái tháo đường là một bệnh lý gia tăng rất nhanh. Nó không chỉ tăng về số lượng bệnh nhân mà các biến chứng nặng cũng ngày một nhiều hơn. Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu được bệnh đái tháo đường là gì và các thông tin liên quan để có thể giảm thiểu bệnh hiệu quả.

Khái niệm về bệnh đái tháo đường là gì?

Theo định nghĩa của Bộ Y Tế, đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mãn tính, có các đặc tính tăng glucose huyết do thiếu hụt tương đối hay tuyệt đối insulin.

Việc này diễn ra trong một thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrat, protid, lipid, là nguyên nhân gây tổn thương trên các cơ quan khác nhau, điển hình là các bệnh trên mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu,….

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường
Các biến chứng của bệnh đái tháo đường

Theo công bố của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) thống kê được cho thấy năm 2021 toàn thế giới có khoảng 537 triệu người (từ 20 – 79 tuổi) mắc bệnh đái tháo đường. Tức là, cứ 10 người ở độ tuổi này sẽ có 1 người mắc bệnh và cứ 6 trẻ sinh ra sẽ có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ trong giai đoạn thai nhi phát triển. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên đến 700 triệu người vào năm 2045.

Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) cũng cập nhật dữ liệu bệnh tại Việt Nam và công bố vào năm 2019 cho thấy có đến 6% người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường. Đến năm 2021, theo thống kê điều tra lại của Bộ Y tế, tỷ lệ này đã tăng lên đến 7,1%, tương ứng với khoảng gần 5 triệu người dân đang mắc bệnh đái tháo đường.

Bên cạnh đó, cùng với việc sử dụng thực phẩm không thích hợp, ít hoặc không hoạt động thể lực ngày càng nhiều…, bệnh đái tháo đường đang có xu hướng trẻ hóa dần và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên hệ thống máu – tim mạch, trên mắt, trên thận và hệ thần kinh. Tuy nhiên, hiện nay cũng đã có những biện pháp dự phòng hoặc làm chậm quá trình tiến triển gây biến chứng nặng đối với bệnh nhân mắc đái tháo đường.

Các nhóm bệnh đái tháo đường phổ biến

Tổng hợp thông tin từ nghiên cứu của các tổ chức trên thế giới và Bộ Y tế Việt Nam, chúng ta có thể phân loại bệnh đái tháo đường theo 4 nhóm chính:

Phân loại bệnh đái tháo đường
Phân loại bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường type 1

Là một bệnh tự miễn mạn tính, do cơ chế phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối. Nhóm này chiếm khoảng 5-10% số những người bị đái tháo đường, thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Đái tháo đường type 2

Là một rối loạn chuyển hóa trong một thời gian dài, với cơ chế giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin. Biểu hiện đặc trưng là glucose máu cao, kháng insulin và thiếu insulin tương đối. Nhóm này là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% trong các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường.

Đái tháo đường thai kỳ

Xảy ra ở một bộ phận nhỏ phụ nữ mang thai, chiếm khoảng 3 – 5% số thai phụ. Đái tháo đường thai kỳ được chẩn đoán ở từ tháng thứ 4 hoặc tháng thứ 6 của thai kỳ với điều kiện không mắc đái tháo đường type 1, type 2 trước đó. Nếu nghiêm túc tuân thủ điều trị, các mẹ có thể yên tâm vì đái tháo đường thai kỳ có thể điều trị dứt điểm.

Các loại đái tháo đường khác

Chỉ chiếm khoảng 2% số bệnh nhân mắc bệnh. Các nguyên nhân dẫn đến loại đái tháo đường đặc biệt có thể kể đến là: đái tháo đường đơn gen (MODY và NDM), sử dụng thuốc và hóa chất trong quá trình điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô, đái tháo đường do bệnh liên quan đến nội tiết – ngoại tiết và đái tháo đường do di truyền…

Đối tượng thường mắc bệnh đái tháo đường là ai?

Đái tháo đường hiện nay là một bệnh vô cùng phổ biến, chúng ta có thể bắt gặp chúng ngay cả trên người có cơ thể gầy yếu hay to béo, từ trẻ nhỏ đến người già. Và dưới đây, chúng tôi xin phép được đề cập đến các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh phổ biến nhất.

Đối tượng mắc bệnh đái tháo đường
Đối tượng mắc bệnh đái tháo đường
  • Người mắc bệnh đái tháo đường do di truyền thường người thân như cha mẹ, cô chú bác ruột, anh chị em ruột… có tiền sử bị đái tháo đường.
  • Người mắc bệnh đái tháo đường do thói quen sinh hoạt không lành mạnh, chưa hợp lý như: ít vận động, tập thể dục, uống nhiều rượu bia và hút thuốc lá với tần suất cao.
  • Người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thường có đặc điểm sau: thừa cân, béo phì…
  • Bên cạnh đó, một số người hay bị tăng huyết áp hoặc có tiền sử về một vài bệnh lý khác đi kèm như: đái tháo đường, tiểu đường thai kỳ, rối loạn dung nạp đường, rối loạn đường máu, chỉ số lipid máu bất thường… cũng có nguy cơ cao.

Trên đây là một vài thông tin cập nhật mới nhất về bệnh đái tháo đường năm 2023. Mong rằng những chia sẻ trên sẽ hữu ích đối với việc bảo vệ sức khỏe của mọi người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *