Bệnh tiểu đường tuýp 1 và bệnh tiểu đường tuýp 2 là những tình trạng riêng biệt với những nguyên nhân khác nhau. Tiểu đường tuýp 1 là bệnh thiếu hụt insulin do phản ứng tự miễn dịch, tiểu đường tuýp 2 là bệnh kháng insulin, trong đó có thể không đáp ứng hoặc sử dụng insulin một cách hiệu quả. Bệnh tiểu đường tuýp 2 chủ yếu phát triển do các yếu tố lối sống như béo phì và lười vận động. Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt giữa tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.
Tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2
Cơ chế bệnh sinh
Bệnh tiểu đường tuýp 1 xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy tế bào beta sản xuất insulin trong tuyến tụy. Mất tế bào beta xảy ra trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm dẫn đến thiếu hụt insulin hoàn toàn. Tiểu đường tuýp 1 được cho là do sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố di truyền và môi trường khác nhau, bao gồm virut, tiếp xúc chất độc hoặc chế độ ăn uống khi còn nhỏ.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 không phải là bệnh tự miễn. Nó phát triển chậm theo thời gian khi cơ thể ngừng phản ứng với insulin, việc sản xuất insulin có thể giảm khi tình trạng tiến triển và tế bào beta ngừng hoạt động. Trong khi các yếu tố di truyền góp phần gây ra tiểu đường tuýp 1 thì các yếu tố lối sống bao gồm chế độ ăn uống không lành mạnh, ít hoạt động thể chất và thừa cân hoặc béo phì có xu hướng đóng vai trò quan trọng trong biểu hiện bệnh.
Sự khác nhau giữa 2 loại tiểu đường
Những khác biệt giữa bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 bao gồm:
- Tỷ lệ mắc bệnh: tiểu đường tuýp 1 ít phổ biến hơn tiểu đường tuýp 2. Theo một nghiên cứu năm 2018, 5,6% người Mỹ trưởng thành mắc tiểu đường tuýp 1, trong khi 91,2 % mắc tiểu đường tuýp 2.
- Tuổi khởi phát: Bệnh tiểu đường tuýp 1 thường phát triển ở thời thơ ấu hoặc tuổi trưởng thành trẻ, trong độ tuổi từ 4 đến 6 hoặc 10 và 14. Bệnh tiểu đường tuýp 2 hiếm khi được chẩn đoán trước tuổi dậy thì.
- Khởi phát bệnh: Các triệu chứng của tiểu đường tuýp 2 xuất hiện dần dần và có thể liên quan đến các triệu chứng kháng insulin (ví dụ: các mảng da sẫm màu gọi là acanthosis nigricans).
- Loại cơ thể: Hầu hết những người mắc tiểu đường tuýp 2 đều thừa cân và béo phì. Những người mắc tiểu đường tuýp 1 có xu hướng gầy.
- Liệu pháp insulin: Những người mắc tiểu đường tuýp 1 sẽ luôn cần tiêm insulin, trong khi những người mắc tiểu đường tuýp 2 thì không.
- Phòng ngừa: Bệnh tiểu đường tuýp 1 không thể ngăn ngừa được, nhưng bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể bị trì hoãn hoặc ngăn ngừa bằng cách thực hiện các thói quen lối sống lành mạnh.
Chẩn đoán sai bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2
Không có xét nghiệm máu đơn lẻ hoặc tiêu chí chính thức nào có thể phân biệt giữa tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Thay vào đó, các bác sĩ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng, tiền sử bệnh và kết quả xét nghiệm máu hoặc nước tiểu. Chẩn đoán sai rất có thể xảy ra khi độ tuổi của người đó không khớp với độ tuổi khởi phát điển hình của bệnh. Bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em có thể bị nhầm lẫn với bệnh tiểu đường tuýp 1. Thật không may, bệnh tiểu đường tuýp 2 đang trở nên phổ biến hơn trong giai đoạn đầu đời vì nhiều trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì.
Bên cạnh các đặc điểm lâm sàng, các xét nghiệm máu và nước tiểu khác nhau có thể giúp phân biệt bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Các xét nghiệm này bao gồm:
- Xét nghiệm kháng thể trong máu: kháng thể là các protein mà hệ thống miễn dịch tạo ra để bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân có hại. Trong các bệnh tự miễn, chúng được sản xuất nhằm tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Kháng thể có ở bệnh tiểu đường tuýp 1 và không có ở bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Nồng độ C-peptide trong nước tiểu: C-peptide là chất được tạo ra khi tuyến tụy sản xuất insulin. Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 sẽ có lượng C-peptide thấp hoặc không thể phát hiện được trong nước tiểu vì tuyến tụy của họ không sản xuất nhiều insulin. Mức độ C-peptide cũng có thể được kiểm tra trong máu.
Sự phụ thuộc insulin
Bệnh tiểu đường tuýp 1 và 2 đều có lượng đường trong máu cao bất thường. Tuy nhiên, phương pháp điều trị của 2 loại này lại khác nhau. Những người mắc tiểu đường tuýp 1 phụ thuộc vào insulin vì họ không có (hoặc chỉ có một lượng nhỏ) tế bào beta để tạo ra insulin. Vì vậy, những người mắc tiểu đường tuýp 1 phải được điều trị bằng insulin ngay sau khi được chẩn đoán. Ngược lại, những người mắc tiểu đường tuýp 2 lại kháng insulin, vậy nên sẽ điều trị tập trung vào việc giúp cơ thể sử dụng tốt hơn lượng insulin do tuyến tụy tạo ra. Việc điều trị tiểu đường tuýp 2 tập trung vào thay đổi lối sống, đặc biệt là giảm cân. Tiêm insulin thường được khuyên dùng ở tiểu đường tuýp 2 nếu lượng đường trong máu tiếp tục tăng cao mặc dù đã can thiệp vào lối sống và dùng thuốc.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 không thể chuyển thành bệnh tiểu đường tuýp 1. Chúng là những tình trạng bệnh riêng biệt, khác nhau về cơ chế bệnh sinh, thời điểm khởi phát, biểu hiện và điều trị. Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn do thiếu insulin thường được chẩn đoán ở giai đoạn đầu đời, nó đòi hỏi phải thay thế insulin ngay lập tức sau khi chẩn đoán. Bệnh tiểu đường tuýp 2 là căn bệnh chủ yếu do kháng insulin và được phát triển trong nhiều năm, điều trị bao gồm giảm cân, thay đổi lối sống lành mạnh và dùng thuốc. Tuy vậy, vẫn không có xét nghiệm đơn lẻ hoặc tiêu chí chính thức nào để phân biệt giữa bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Thay vào đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng các đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm máu, nước tiểu.
Xem thêm: Tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 (dkbetics.com)