Các biến chứng của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Theo thống kê của hội đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2019 trên thế giới có khoảng 463 triệu người mắc bệnh tiểu đường và dự kiến đến năm 2030 có khoảng 578 triệu người mắc bệnh. Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Biến chứng của bệnh tiểu đường thường được chia thành 2 loại: biến chứng cấp tính và biến chứng mãn tính. Để hiểu rõ hơn về 2 loại biến chứng này, chúng ta cùng tìm hiểu nào.

Biến chứng tiểu đường cấp tính

Hôn mê nhiễm toan ceton

Hôn mê nhiễm toan ceton là tình trạng đường huyết tăng cao, ceton máu tăng cao, thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1. Những nguyên nhân và yếu tố thuận lợi dẫn đến hôn mê nhiễm toan ceton như:

  • Bị tiểu đường không được điều trị.
  • Chấn thương, phẫu thuật.
  • Nhiễm độc giáp nặng.
  • Sau điều trị corticoid, lợi tiểu thải muối.
  • Tự ngừng insulin đột ngột.
  • Ăn quá nhiều đường, uống rượu bia.
  • Nhiễm trùng.
Biến chứng hôn mê nhiễm toan ceton ở bệnh nhân tiểu đường
Biến chứng hôn mê nhiễm toan ceton ở bệnh nhân tiểu đường

Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng:

  • Giai đoạn tiền hôn mê: Bệnh nhân ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy sút cân nhân, buồn nôn, nôn, khó thở, đau bụng, da khô.
  • Giai đoạn hôn mê: mất nước nhiều (da khô, nhăn nheo), đái ít mạch nhanh, huyết áp tụt, thở có mùi ceton, lú lẫn hôn mê sâu.

Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu

Bệnh được đặc trưng bởi đường huyết tăng cao > 30mmol/l, dự trữ kiềm bình thường, ceton máu bình thường và thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Biến chứng xảy ra do những nguyên nhân: sau nhiễm khuẩn chấn thương phẫu thuật, suy tim suy thận nặng, sau điều trị thuốc corticoid,…

Bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như:

  • Da khô, nhăn nheo, sút cân nhanh, mắt trũng.
  • Đái nhiều, khát, mệt, mạch nhanh, HA hạ.
  • Rối loạn tri giác và dần đi vào hôn mê.
  • Mất cảm giác và có cơn co giật kiểu động kinh.

Biến chứng tiểu đường mạn tính

Các biến chứng mạn tính tiểu đường

Biến chứng ở mắt

Biến chứng mắt là nguyên nhân chính gây mù lòa.

Tổn thương võng mạc: có 2 thể

  • Bệnh võng mạc không tăng sinh: thường xuất hiện sớm, đặc trưng bởi phình vi mạch, xuất huyết hình chấm và phù võng mạc.
  • Bệnh võng mạc tăng sinh: do có sự phát triển của các vi mạch máu mới kèm các tổ chức xơ tại võng mạc dẫn đến tắc mạch.
Biến chứng tiểu đường ở mắt
Biến chứng ở mắt của bệnh nhân tiểu đường

Đục thủy tinh thể: có 2 thể

  • Thể dưới vỏ: hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1, bệnh có thể tiến triển rất nhanh.
  • Thể lão hóa: xuất hiện hiện tượng xơ quá và đục thủy tinh thể.

Biến chứng trên da

Biến chứng ở da là những biến chứng dễ nhận biết nhất của bệnh nhân tiểu đường:

  • Nhiễm trùng, nhiễm nấm ngoài da.
  • U vàng thường gặp ở những bệnh nhân có tăng mỡ máu.
  • Hoại tử mỡ dưới da.
  • Loét bàn chân và cẳng chân do thần kinh hoặc thiếu máu tại chỗ.
Biến chứng ở da của người bệnh tiểu đường
Biến chứng ở da của người bệnh tiểu đường

Biến chứng tim mạch

  • Tổn thương mạch vành thường hay gặp nhiều gấp 2-3 lần ở bệnh nhân tiểu đường, biểu hiện là các triệu chứng: cơn đau thắt ngực khi gắng sức, nhồi máu cơ tim, suy tim.
  • Tai biến mạch máu não: nhồi huyết não, xuất huyết não.
  • Tổn thương động mạch ngoại vi dẫn tới viêm động mạch ngoại vi.

Biến chứng thần kinh

  • Tổn thương thần kinh hay gặp trong biến chứng của bệnh tiểu đường là tổn thương thần kinh ngoại vi (viêm đa dây thần kinh ngoại vi): biểu hiện lâm sàng đầu tiên là dị cảm ngoài da (cảm giác như kim châm, kiến bò, ngứa, đau, rối loạn cảm giác), có những vết loét hoặc hoại tử chi dưới.
  • Tổn thương thần kinh thực vật: ở giai đoạn muộn của bệnh tiểu đường dễ gây tổn thương thần kinh thực vật như buồn nôn, nôn, táo lỏng thất thường do mất trương lực dạ dày, hay đi lỏng về đêm, liệt dương, xuất tinh sớm, đái không tự chủ, nhịp tim nhanh, giảm tiết mồ hôi, hạ huyết áp.
  • Tổn thương thần kinh sọ não: tổn thương dây III gây sụp mi, tổn thương dây IV gây lác ngoài, tổn thương dây VI gây lác trong, tổn thương dây VII gây liệt mặt.

Biến chứng thận – tiết niệu

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường gặp trong bệnh tiểu đường, có thể viêm bàng quang, niệu đạo hoặc viêm thận bể thận.
  • Tổn thương thận trong bệnh tiểu đường được báo hiệu xuất hiện albumin niệu, xét nghiệm này rất quan trọng trong theo dõi tiến triển bệnh, nếu điều trị sớm bệnh có thể ổn định và không bị nặng thêm. Nếu không được điều trị bệnh sẽ nặng dần và dẫn đến suy thận.

Biến chứng hô hấp

Ở người bệnh tiểu đường, đường máu cao sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn phát triển, mặt khác sức đề kháng của người bệnh tiểu đường giảm sẽ dễ dẫn đến bị nhiễm khuẩn và có các biến chứng của bệnh tiểu đường như:

  • Bệnh lao phổi.
  • Viêm phổi, áp xe phổi.

Biến chứng hệ tiêu hóa 

  • Do đường máu cao tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển ở miệng dẫn đến viêm lợi, thêm các rối loạn tuần hoàn, thiếu máu đến răng do biến chứng của bệnh tiểu đường làm cho răng dễ lung lay và rụng sớm.
  • Những biến chứng của bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới hoạt động tiết các men tiêu hóa của tụy, viêm ruột, viêm dạ dày dẫn đến triệu chứng đi lỏng ở bệnh nhân tiểu đường.
  • Rối loạn chức năng gan là những rối loạn quá trình phân hủy mỡ ở ngoại vi dẫn đến tăng và ứ đọng các axit béo ở gan, làm cho gan to ra, lâu ngày dẫn đến suy chức năng gan.

Trên đây là toàn bộ những biến chứng của bệnh tiểu đường, tùy vào mức độ bệnh mà các biến chứng có thể xuất hiện ở những giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, nhằm phòng tránh những biến chứng bất lợi nhất, bệnh nhân tiểu đường nên theo dõi đường huyết thường xuyên, có chế độ ăn hợp lý nhằm ngăn ngừa những biến chứng của bệnh tiểu đường gây ra. 

Xem thêm: Cách phòng ngừa biến chứng đái tháo đường hiệu quả (tritieuduong.com.vn) 

 

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *