Các giai đoạn phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2 phụ thuộc vào lượng đường trong máu của bệnh nhân. Các dấu hiệu đầu tiên bắt đầu bằng đường huyết tăng nhẹ – ngoài mức bình thường nhưng không đủ cao để được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Đây được gọi là tình trạng kháng insulin và là giai đoạn đầu tiên trong bốn giai đoạn phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tiến trình phát triển cũng như biến chứng gặp phải của các giai đoạn.
Giai đoạn phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2
Giai đoạn 1: kháng insulin
Kháng insulin là dấu hiệu đầu tiên của vấn đề về lượng đường trong máu, tình trạng này thường xảy ra nhiều năm trước khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Khi thức ăn vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành đường (hoặc glucose) sau đó đi vào máu. Tuyến tụy tiết ra insulin để loại bỏ đường khỏi máu và đi vào tế bào tạo ra năng lượng. Khi cơ thể kháng insulin hoặc không phản ứng đúng cách với insulin, lượng đường trong máu bắt đầu tăng. Kết quả là cơ thể bạn báo hiệu cho gan và cơ bắp để dự trữ đường. Khi gan không thể tích trữ được nữa nó sẽ gửi lượng đường dư thừa đến các tế bào mỡ, như vậy năng lượng sẽ được dự trữ dưới dạng mỡ. Mặc dù giai đoạn đầu tiên này chưa ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nếu không điều trị sớm có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng về sau.
Giai đoạn 2: tiền tiểu đường
Tiền tiểu đường là giai đoạn phát triển của bệnh tiểu đường khi đường huyết của bạn nằm ngoài mức bình thường nhưng chưa cao đến mức được coi là tiểu đường. Mặc dù có thể khắc phục nhờ thay đổi lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn kiêng và tập thể dục, nhưng giai đoạn phát triển của bệnh tiểu đường này rất quan trọng vì nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim và đột quỵ.
Nếu không thực hiện các xét nghiệm máu cho thấy mức đường huyết cao hơn bình thường thì bạn cũng không thể tin được rằng mình đang mắc bệnh, bởi vì lúc này sẽ không có bất kỳ dấu hiệu nào xuất hiện cho thấy bạn bị bệnh. Những nguy cơ dễ bị bệnh như:
- Béo phì.
- Lười vận động.
- Di truyền bệnh tiểu đường.
- Có tiền sử bệnh về huyết áp và tim mạch..
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
Giai đoạn 3: bệnh tiểu đường tuýp 2
Với bệnh tiểu đường tuýp 2, lượng đường trong máu của bạn đang ở mức nguy hiểm. Lượng đường trong máu lúc đói bình thường là 99 mg/dL hoặc thấp hơn. Tuy nhiên với tiền tiểu đường, đường huyết nằm trong khoảng từ 100 đến 125mg/dL, con số 126 mg/dL hoặc cao hơn có nghĩa là bạn mắc tiểu đường tuýp 2. Một số người mắc tiểu đường tuýp 2 có thể không biểu hiện triệu chứng, đối với những người khác các triệu chứng có thể nhẹ, tuy nhiên theo thời gian nếu giai đoạn phát triển của bệnh tiểu đường không được kiểm soát các triệu chứng sẽ càng nặng thêm.
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 bao gồm:
- Khát nước và đi tiểu nhiều.
- Tầm nhìn mờ.
- Tăng cảm giác đói.
- Tê hoặc ngứa ran ở tay hoặc chân.
- Các vết thương lâu lành hoặc không lành hoàn toàn.
Giai đoạn 4: Bệnh tiểu đường tuýp 2 có biến chứng mạch máu
Đây là giai đoạn cuối cùng của bệnh tiểu đường liên quan đến tổn thương mạch máu. Các biến chứng có thể gây nên bệnh võng mạc tiểu đường, xơ vữa động mạch và bệnh thận tiểu đường. Những tình trạng này xảy ra do lượng đường trong máu cao trong nhiều năm và là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ, mù lòa và bệnh thận giai đoạn cuối ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Các biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2
Bệnh võng mạc tiểu đường
Các mạch máu ở phía sau mắt của bạn bị sưng lên, làm rò rỉ chất lỏng vào mắt, điều này gây giảm thị lực, bong võng mạc, tăng nhãn áp (tổn thương dây thần kinh thị giác) và đục thủy tinh thể.
Xơ vữa động mạch
Sự tích tụ chất béo và cholesterol trong động mạch, lâu dần cứng lại và máu không thể lưu thông. Các mảng bám này dày tới mức các động mạch bị chặn hoàn toàn, gây ra các cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Bệnh thận do tiểu đường
Lượng đường trong máu cao cũng có thể làm tổn thương thận của bạn. Khi thận bị suy yếu nó không thể thực hiện các chức năng như loại bỏ chất thải và chất lỏng ra ngoài cơ thể một cách hiệu quả, cuối cùng dẫn đến suy thận. Việc điều trị phải lọc máu thường xuyên cho đến khi được ghép thận.
Mặc dù bệnh tiểu đường tuýp 2 có vẻ như không xuất hiện những thay đổi trong cơ thể bạn từ nhiều năm trước khi được chẩn đoán. Tuy nhiên giai đoạn phát triển của bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Do vậy, việc thăm khám thường xuyên đồng thời kết hợp thay đổi lối sống có thể ngăn chặn sự phát triển của tiểu đường tuýp 2. Quản lý đường huyết là chìa khóa để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Xem thêm: Biến chứng tiểu đường có chữa được không? (dkbetics.com)