Chỉ số đường huyết bình thường là một xét nghiệm đo được lượng glucose trong máu ở mức an toàn và điều này cho thấy hiện tại bạn đang có một sức khỏe ổn định. Glucose là nguồn năng lượng chính cho hầu hết các tế bào của cơ thể bao gồm cả tế bào não. Glucose được chuyển hóa từ carbohydrate và lượng carb thường được tìm thấy trong trái cây, ngũ cốc, bánh mì,… Khi bạn ăn những thực phẩm này vào cơ thể, chúng sẽ được chuyển hóa thành glucose khiến đường huyết tăng, tuy nhiên cơ thể sẽ tiết ra nội tiết tố insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Vậy làm thế nào biết được đường huyết có an toàn hay không và chỉ số đường huyết ở mức bao nhiêu được cho là bình thường ? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp giúp bạn.
Cách đo chỉ số đường huyết
Để xác định xem liệu bạn có chỉ số đường huyết bình thường hay không, bác sĩ có thể thực hiện đo chỉ số đường huyết cho bạn theo những cách sau:
- Nhịn ăn: Sau khi bạn không ăn gì trong ít nhất 8 giờ.
- Ngẫu nhiên: Vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
- Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống.
Tại sao cần đo chỉ số đường huyết
Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm này nếu bạn có dấu hiệu của bệnh tiểu đường hoặc bạn đang mắc bệnh tiểu đường và cần theo dõi đường huyết.
Nếu bạn có các dấu hiệu dưới đây, bạn cần được chỉ định đo chỉ số đường huyết:
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường.
- Tăng cân nhiều không rõ nguyên nhân trong thời gian ngắn.
- Nhìn mờ.
- Lú lẫn.
- Ngất xỉu.
- Co giật (lần đầu tiên).
- Bất tỉnh hoặc hôn mê.
Sàng lọc bệnh tiểu đường
Đo chỉ số đường huyết cũng có thể được sử dụng để sàng lọc bệnh tiểu đường. Một số người có lượng đường trong máu cao cũng như mắc bệnh tiểu đường có thể không xuất hiện các triệu chứng điển hình ở giai đoạn đầu. Xét nghiệm đường huyết lúc đói là xét nghiệm phổ biến nhất được thực hiện để sàng lọc bệnh tiểu đường, thường bắt đầu ở tuổi 35.
Nếu không có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nào khác, bạn nên xét nghiệm 3 năm một lần. Nếu bạn thừa cân và có bất kỳ yếu tố rủi ro nào dưới đây, bạn nên thực hiện đo chỉ số đường huyết ở độ tuổi sớm hơn và thường xuyên hơn:
- Lượng đường trong máu cao trong lần xét nghiệm trước.
- Huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên hoặc mức cholesterol cao.
- Tiền sử bệnh tim.
- Phụ nữ trước đây đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
- Bệnh buồng trứng đa nang.
- Trong gia đình có người bị tiểu đường.
- Lười hoạt động thể chất.
Trẻ em từ 10 tuổi trở lên nếu thừa cân và có ít nhất hai trong số các yếu tố nguy cơ nêu trên, nên được xét nghiệm nhằm sàng lọc bệnh tiểu đường tuýp 2, 3 năm một lần, ngay cả khi chúng không có triệu chứng.
Chỉ số đường huyết bình thường
Bạn được cho là có chỉ số đường huyết bình thường nếu kết quả xét nghiệm của bạn nằm trong các khoảng sau:
- Bạn xét nghiệm đường huyết lúc đói ở mức 70 đến 99 mg/dL (3,9 và 5,5 mmol/L).
- Kết quả xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên, chỉ số đường huyết bình thường sẽ ở mức 125 mg/dL (6,9 mmol/L) hoặc thấp hơn.
Tuy nhiên, phạm vi giá trị bình thường có thể khác nhau trong giới hạn giữa các thí nghiệm khác nhau. Chỉ số đường huyết được đo từ máu tĩnh mạch được coi là chính xác hơn đường huyết đo ở đầu ngón tay bằng máy đo đường huyết hoặc máy theo dõi đường huyết liên tục.
Hiện nay bệnh tiểu đường rất phổ biến và chúng ta đôi khi rất khó phát hiện và kiểm soát được căn bệnh mãn tính này. Do vậy, mỗi cá nhân nên khám sức khỏe thường xuyên 6 tháng 1 lần nhằm kiểm soát sức khỏe cũng như phòng ngừa các bệnh mãn tính nguy hiểm. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ được đề cập ở trên, việc đo chỉ số đường huyết cũng như tầm soát bệnh tiểu đường nên được khuyến cáo thực hiện. Từ bài viết trên, bạn có thể biết được chỉ số đường huyết bình thường là bao nhiêu và so sánh với kết quả xét nghiệm của mình kết hợp với chẩn đoán của bác sĩ để đánh giá chính xác tình trạng hiện tại của bản thân và có phương pháp phòng ngừa cũng như điều trị hợp lý.
Xem thêm: Mức đường huyết cần dùng thuốc khi cao bao nhiêu?