Tiểu đường tuýp 2 có thể gặp ở bất cứ độ tuổi và giới tính nào. Vậy, làm sao biết được mình có mắc bệnh hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về dấu hiệu của tiểu đường tuýp 2 nhé!
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?
Trước khi đề cập về những dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2, chúng ta nên hiểu về tiểu đường tuýp 2.
Bệnh tiểu đường tuýp 2, còn gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin. Đây là loại tiểu đường phổ biến nhất, chiếm 90% đến 95% tổng số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành, nhưng do tỷ lệ béo phì ngày càng cao nên hiện nay có khá nhiều trường hợp bệnh được phát hiện ở tuổi vị thành niên và người trẻ tuổi. Bạn cũng có thể mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mà không hay biết.
Insulin là chìa khóa, mở cho glucose vào trong tế bào
Một trong những vai trò của insulin là tạo điều kiện hấp thu glucose vào trong tế bào để tạo năng lượng, qua việc mở các kênh cho phép glucose vào tế bào. Tuy nhiên, ở những người bị tiểu đường tuýp 2, các tế bào trở nên đề kháng với insulin. Lúc này, đường glucose sẽ không thể vào trong các tế bào của cơ thể mà ứ đọng lại trong máu và gây ra bệnh tiểu đường.
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2
Tiểu đường tuýp 2 do nhiều yếu tố phối hợp với nhau gây nên, cho nên không thể biết chính xác bạn bị bệnh là do đâu. Có một số yếu tố nguy cơ tiểu đường ngoài tầm kiểm soát của bạn chẳng hạn như thuộc chủng tộc dễ mắc tiểu đường; có tiền sử gia đình bị tiểu đường, là mang tính di truyền. Một số yếu tố khác như thừa cân, ít vận động có thể là hệ quả của lối sống không lành mạnh.
Bạn có từng thắc mắc tại sao ăn nhiều đường có thể gây nên bệnh tiểu đường không?
Bản thân đường không phải là nguyên nhân trực tiếp, nhưng bạn ăn nhiều đồ ngọt có thể làm bạn tăng cân, mà thừa cân có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đây là lý do tại sao bạn cần kiểm soát cân nặng của mình ở mức phù hợp để ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2.
Vậy, tại sao thừa cân làm tăng nguy cơ tiểu đường tuýp 2?
Thừa cân có thể làm các tế bào trong cơ thể chống lại tác dụng của insulin do cơ thể sản xuất ra. Béo phì, được định nghĩa là khi cân nặng vượt 20% so với mức cân nặng lý tưởng và tình trạng này càng làm tăng hơn nữa nguy cơ tiểu đường tuýp 2.
Dấu hiệu bệnh tiểu đường tuýp 2
Từ những yếu tố nguy cơ nói trên, bạn có từng lo sợ mình bị tiểu đường tuýp 2 hay không, và một người khỏe mạnh liệu có thể bị tiểu đường không? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những dấu hiệu của tiểu đường tuýp 2 để có thể phát hiện sớm căn bệnh này nhé.
Khát nước và tiểu nhiều
Khát nước và tiểu nhiều là 2 triệu chứng nhận biết sớm của bệnh tiểu đường. Khi glucose trong máu tăng quá cao, thì chúng sẽ xuất hiện trong nước tiểu. Kết quả là bạn thường xuyên mắc tiểu, đặc biệt dễ nhận biết nhất là vào ban đêm. Tiểu nhiều khiến cơ thể bạn mất nước, do đó bạn sẽ bị khát nước và khô họng, bạn luôn phải uống nước nhưng không cải thiện nhiều.
Dấu hiệu mệt mỏi
Tiểu đường có thể gây ra mệt mỏi khi cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng. Tình trạng đề kháng insulin khiến glucose không thể vào trong tế bào để tạo năng lượng. Ngoài ra, tình trạng mất nước cũng khiến cơ thể trở nên mệt mỏi.
Mắt nhìn mờ
Nhìn mờ có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2. Khi glucose trong máu tăng cao, thủy tinh thể của nhãn cầu hấp thu glucose và nước, do đó phồng lên và làm cho mắt bạn không thể điều chỉnh độ hội tụ chính xác. Nếu bạn đang bị bệnh tiểu đường mà đường huyết được kiểm soát tốt thì thủy tinh thể và thị lực của bạn sẽ trở lại bình thường sau vài tuần.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể không xuất hiện triệu chứng, ngay cả khi xuất hiện những yếu tố nguy cơ hay những dấu hiệu trên thì cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh tiểu đường tuýp 2 chính là xét nghiệm máu. Bạn nên kiểm tra đường huyết định kỳ hoặc nếu nhận thấy dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2, hãy tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm tránh các biến chứng nguy hiểm.
Xem thêm: 5 nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường
Chế độ ăn uống giúp phòng bệnh đái tháo đường hiệu quả