Mặc dù bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác nhưng bạn có thể phòng ngừa biến chứng này bằng nhiều cách. Các biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường bao gồm: bệnh tim, bệnh thận mãn tính, tổn thương thần kinh và các biến chứng bàn chân, sức khỏe răng miệng, thị lực, thị giác, sức khỏe tâm thần. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về cách phòng ngừa biến chứng tiểu đường nào.
Những thói quen giúp phòng ngừa biến chứng tiểu đường
Kiểm soát tốt lượng đường trong máu
Kiểm soát đường huyết là mục tiêu số một trong quản lý bệnh tiểu đường. Tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ hoạt động, nguy cơ hạ đường huyết và các tình trạng bệnh lý khác mà người bệnh có mục tiêu đường huyết khác nhau.
Vậy để biết được mục tiêu về đường huyết của mình là gì, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Dựa vào các thông số đường huyết đo được hằng ngày, kết hợp với thói quen sinh hoạt, các chuyên gia sẽ cho bạn một mục tiêu hợp lý. Đối với những bệnh nhân tiểu đường, lượng đường trong máu lúc đói khoảng 80 đến 130 mg/dL; hai giờ sau bữa ăn, nồng độ này phải dưới 180 mg/dL.
Ăn uống lành mạnh
Khi bạn mắc bệnh tiểu đường, ăn uống lành mạnh là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Những kiến thức về carbohydrate nên được hiểu nó tác động như thế nào đến đường huyết. Từ đó, chúng ta biết cách kết hợp các mô hình ăn uống lành mạnh, an toàn bền vững và đảm bảo duy trì thói quen ăn uống nhằm đạt được mục tiêu về sức khỏe.
Phù thuộc vào văn hóa, sở thích thực phẩm, mục tiêu đường huyết mà mô hình ăn uống của mỗi cá nhân là khác nhau. Cách tốt nhất để tạo nên một kế hoạch ăn uống hoàn hảo là bạn nên theo dõi đường huyết thường xuyên và ghi vào sổ tay tiểu đường của mình từ đó hỏi ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để được giúp đỡ một cách chuẩn xác nhất.
Tập thể dục
Hoạt động thể chất giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách làm cho tế bào nhạy cảm hơn với insulin và giảm tình trạng kháng insulin. Tập thể dục cũng có liên quan đến sức khỏe tim mạch, tăng năng lượng, ngủ ngon hơn và giảm viêm. Đối với người bệnh tiểu đường, tập thể dục thường xuyên góp phần phòng ngừa biến chứng tiểu đường.
Đối với những người dùng insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết khác,việc tập thể dục nên cẩn thận vì có thể gây giảm đường huyết đột ngột. Cách tốt nhất người bệnh nên đo đường huyết trước và sau khi tập, cần tập những bài thể dục nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe của mình và tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu muốn bắt đầu một bài tập mới.
Cách tốt nhất để luyện tập thường xuyên là viết ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn giúp bạn có động lực và tập trung luyện tập. Chỉ cần thực hiện vài phút mỗi ngày và làm việc theo mục tiêu đề ra thì chỉ một thời gian ngắn bạn sẽ cảm nhận được những thay đổi lớn về sức khỏe của bạn.
Giữ một cân nặng hợp lý
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng giảm 5% cân nặng ở bệnh nhân béo phì có thể cải thiện tiết insulin và độ nhạy insulin. Vậy nên, đối với bệnh nhân tiểu đường việc giảm cân sẽ giúp cải thiện lượng đường trong máu và giảm nguy cơ gặp các bệnh về tim mạch.
Giảm cân có thể khó khăn với những người đã thử nhiều chế độ ăn kiêng, chìa khóa để giảm cân bền vững là phải được hỗ trợ và giáo dục liên tục, đồng thời thay đổi hành vi từ từ và đều đặn mà vẫn đảm bảo sức khỏe sinh hoạt.
Việc giảm cân ở mỗi cá nhân là khác nhau, tuy nhiên các chiến lược giảm cân có thể áp dụng như:
- Tính lượng calo tiêu thụ trong mỗi bữa ăn.
- Lập kế hoạch bữa ăn cá nhân.
- Phương pháp ăn theo đĩa.
- Kiểm soát khẩu phần ăn.
Uống thuốc theo đơn
Quản lý thuốc kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục thường là một phần thiết yếu để đạt được mục tiêu điều trị. Thời điểm, liều lượng, tần suất và cách sử dụng là những yếu tố quan trọng cần lưu ý khi dùng thuốc.
Phác đồ dùng thuốc tốt nhất là phác đồ đơn giản, hiệu quả và giảm thiểu tác dụng phụ. Nếu có bất kỳ bất lợi nào khi dùng thuốc, bạn nên chia sẻ với bác sĩ để đơn thuốc được kê là đơn thuốc phù hợp với việc kiểm soát đường huyết.
Nếu bạn đang dùng thuốc theo quy định, tập thể dục và ăn uống lành mạnh mà vẫn nhận thấy lượng đường trong máu cao hơn với mục tiêu trong vài ngày liên tiếp,, bạn có thể cần phải thay đổi thuốc. Bạn không nên tự ý ngưng thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ, lúc này hãy gặp bác sĩ và trao đổi vấn đề đang gặp phải để được trợ giúp kịp thời.
Hãy có một giấc ngủ tốt
Chất lượng giấc ngủ kém, ngủ không đủ giấc được xác định là yếu tố nguy cơ dẫn đến đường huyết không ổn định. Các vấn đề liên quan đến giấc ngủ cũng liên quan đến các bệnh khác của cơ thể.
Nếu bạn thường xuyên mất ngủ, bạn có thể các biện pháp như:
- Tránh sử dụng ánh sáng đèn công nghệ 30 phút trước khi ngủ.
- Giữ cho căn phòng của bạn tối, mát mẻ, yên tĩnh.
- Ngủ trong quần áo thoải mái, rộng rãi.
- Tránh những chất kích như cà phê, sô cô la trước khi ngủ.
- Nên đi ngủ sớm trước 10 giờ tối.
Ngoài những thói quen trên chúng ta cũng nên lưu ý thêm những điều sau:
- Chăm sóc tốt sức khỏe đường ruột: Có mối liên quan giữa sinh lý đường ruột và bệnh tiểu đường, nhiều bệnh nhân tiểu đường cải thiện sức khỏe nhờ sử dụng các men vi sinh dựa trên kết quả lâm sàng.
- Chăm sóc tốt bàn chân: Bạn nên kiểm tra bản chân thường xuyên nhất là giữa các ngón chân. Không nên đi chân trần, tốt nhất nên đi giày và dép.
- Đừng quên bảo vệ sức khỏe tinh thần: Tình trạng căng thẳng có thể tạo nên những hệ lụy xấu và ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường. Vậy nên không chỉ người bệnh mà người nhà bệnh nhân nên có một sức khỏe tinh thần thật lành mạnh
- Đặc biệt không sử dụng các chất kích thích như: nước uống có cồn, thuốc lá…
Bệnh tiểu đường là một căn bệnh phức tạp đòi hỏi phải tự quản lý hằng ngày nhằm giữ đường huyết ở mức mục tiêu. Như vậy có thể phòng ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường. Điều quan trọng là nên hình thành thói quen phù hợp và có ích với cuộc sống của bạn. Hãy bắt đầu với những mục tiêu nhỏ, thực tế và hữu hình, đồng thời xây dựng sự tiến bộ của bạn theo thời gian.