Khi bạn mắc bệnh tiểu đường bên cạnh việc thay đổi lối sống Metformin có thể giúp bạn kiểm soát được lượng đường trong máu. Nếu bạn đang dùng Metformin mà đường huyết vẫn không được kiểm soát, lúc này bạn có thể cần phải thay thế nó. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về Metformin và những phương pháp thay thế.
Metformin hoạt động như thế nào
Metformin là thuốc uống dùng để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Nó được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu khi thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục không hợp lý, đây là loại thuốc đầu tiên được sử dụng để kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2. Cơ chế chính của metformin làm giảm lượng đường trong máu theo những cách sau:
- Làm giảm lượng glucose mà ruột hấp thụ từ thức ăn.
- Giảm lượng glucose do gan sản xuất trong quá trình tiêu hóa và giải phóng vào máu.
- Tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin bằng cách giảm tình trạng kháng insulin của bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.
- Không làm tăng sản xuất insulin.
Những điều cần thiết khi dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường
Theo dõi đường huyết
Dù bạn dùng bất kỳ loại thuốc tiểu đường theo đường uống nào thì bạn cũng nên thực hiện các xét nghiệm từ 3 đến 6 tháng một lần, mặc dù thời gian giữa các xét nghiệm này có thể ngắn hơn hoặc dài hơn tùy theo tình trạng của bạn:
- Đường huyết lúc đói để đo lượng đường trong máu của bạn sau khi nhịn ăn qua đêm.
- Đường huyết sau bữa ăn để đo lượng đường trong máu của bạn sau bữa ăn.
- Huyết sắc tố A1C (HbA1C) để đo mức đường huyết trung bình của bạn trong ba tháng.
- Xét nghiệm đường huyết trong nước tiểu để đo lượng đường huyết glucose trong nước tiểu của bạn và xác định các dấu hiệu của lượng đường trong máu tăng cao.
Kiểm soát lượng Vitamin B12
Nghiên cứu chỉ ra rằng dùng metformin để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể làm tăng nguy cơ bị thiếu vitamin B12. Đây là một loại vitamin tan trong nước được tiêu thụ khi ăn một số loại thực phẩm, dùng thực phẩm bổ sung hoặc theo toa. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng thiếu vitamin B12 có thể xảy ra ở 30% bệnh nhân tiểu đường dùng metformin. Có bằng chứng cho thấy nồng độ vitamin B12 giảm khi thời gian và liều lượng metformin tăng lên. Nếu không điều trị, thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến các tình trạng sau:
- Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ
- Giảm bạch cầu, hồng cầu và/hoặc tiểu cầu
- Viêm lưỡi
- Mệt mỏi
- Đánh trống ngực
- Mất trí nhớ
- Giảm cân
- Vô sinh
- Thay đổi thần kinh như tê và ngứa ran ở tay và chân
Các khuyến nghị từ Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ và Hiệp hội Bác sĩ Nội tiết Lâm sàng Hoa Kỳ đề nghị theo dõi nồng độ Vitamin B12 ở bệnh nhân tiểu đường dùng metformin. Nên xét nghiệm hai đến ba năm một lần đối với tất cả các bệnh nhân tiểu đường dùng metformin. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh thần kinh ngoại biên hoặc thiếu máu.
Sự thiếu hụt Vitamin B12 có thể được đo lường bằng một trong các xét nghiệm máu sau:
- Công thức máu toàn phần (CBC).
- Phết tế bào máu ngoại vi.
- Huyết thanh B12 và nồng độ folate.
- Xét nghiệm axit metylmalonic (MMA).
Nếu bạn được chẩn đoán thiếu vitamin B12, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị dựa trên nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Bạn có thể bổ sung vitamin B12 bằng đường uống nếu bị thiếu hụt vừa phải, trường hợp bị thiếu hụt nghiêm trọng bạn cần tiêm Vitamin B12 hoặc truyền máu để cải thiện tình trạng này.
Giải pháp thay thế metformin
Thay đổi lối sống
Cho dù bạn đang dùng metformin hay một loại thuốc điều trị tiểu đường khác, việc thay đổi lối sống là điều cần thiết để kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh tiểu đường. Dựa vào sự hỗ trợ của bác sĩ về các thông số bệnh tiểu đường của bản thân, bạn có thể tối ưu hóa các lối sống của mình phù hợp với tình trạng bệnh. Việc tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ biến chứng.
Sử dụng thuốc thay thế
Khi metformin không đủ, bạn có thể được khuyên nên thêm một loại thuốc mới vào chế độ điều trị hiện tại hoặc có thể dùng một loại thuốc khác thay thế. Không có gì lạ khi dùng hai hoặc ba loại thuốc điều trị tiểu đường khác nhau cùng một lúc. Loại thuốc cụ thể sẽ được kê tùy thuộc vào tình trạng của bạn và không có quá trình điều trị tiêu chuẩn nào được đề nghị.
Metformin là thuốc điều trị tiểu đường theo đường uống có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Nó được coi là tiêu chuẩn vàng để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 không dùng insulin. Trong một số trường hợp, thuốc có thể ngừng phát huy tác dụng do bệnh tiến triển hoặc do thay đổi chế độ ăn, luyện tập, điều này dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Khi metformin không còn hữu ích, bác sĩ sẽ lựa chọn thay thế hoặc kết hợp với một số loại thuốc mới. Bạn cũng có thể kiểm soát đường huyết của mình bằng cách thay đổi lối sống đồng thời làm việc với các chuyên gia về tiểu đường để đạt được mục tiêu và kiểm soát bệnh của mình.
Xem thêm: BỎ TÚI NGAY 6+ CÁCH PHÒNG NGỪA TIỂU ĐƯỜNG SIÊU HỮU HIỆU (dkbetics.com)