Các dấu hiệu của bệnh tiểu đường ở trẻ em thường dễ dàng bị bỏ qua vì bị coi như những bệnh thông thường. Bệnh tiểu đường tuýp 1 thường được phát hiện khi đã xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Mặt khác, bệnh tiểu đường tuýp 2 có xu hướng phát triển chậm theo thời gian và nhiều trẻ không gặp bất cứ triệu chứng nào hoặc các triệu chứng dễ bị bỏ qua. Bệnh chỉ được chẩn đoán trong quá trình thăm khám sức khỏe định kỳ. Vậy nên cha mẹ cần nắm rõ các dấu hiệu của bệnh nhằm thăm khám và điều trị kịp thời cho trẻ.
1 Thay đổi thói quen ăn
Những người mắc bệnh tiểu đường có xu hướng uống nhiều nước hơn bình thường và cảm thấy đói nhiều hơn. Tình trạng này do lượng đường trong máu cao khiến trẻ đi vệ sinh để đào thải đường, dẫn tới thiếu nước. Bên cạnh đó, insulin hoạt động không đúng cách khiến tế bào không được nhận đủ glucose làm cơ thể thiếu năng lượng hoạt động tạo nên cảm giác đói.
2 Thay đổi cân nặng
Thay đổi cân nặng là điều thường gặp trước khi được chẩn đoán bệnh tiểu đường, đặc biệt là giảm cân đáng kể ở bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc tăng cân chậm và quá mức ở bệnh tiểu đường tuýp 2.
3 Thay đổi số lần đi vệ sinh
Việc con bạn đi vệ sinh nhiều lần tăng đột ngột có thể khiến chúng ta lo ngại. Bạn nên chú ý khi trẻ lớn hơn đi vệ sinh 30 phút mỗi lần và trẻ sơ sinh phải thay bỉm nhiều hơn bình thường. Điều này có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường cần được theo dõi.
4 Hao hụt năng lượng và kiệt sức
Trẻ bị mệt mỏi bất thường như con có các cử động chậm chạp và uể oải hơn bình thường. Tình trạng này có thể do trẻ bị hao hụt năng lượng do cơ thể sử dụng insulin không đúng cách dẫn tới tế bào không nhận đủ glucose để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.
5 Xuất hiện các vấn đề về dạ dày
Những người mắc bệnh tiểu đường dễ bị buồn nôn, nôn hoặc đau dạ dày. Những triệu chứng tiêu hóa này có xu hướng phổ biến hơn ở bệnh tiểu đường tuýp 1.
6 Mờ mắt – dấu hiệu dễ bỏ sót của bệnh tiểu đường ở trẻ em
Lượng đường trong máu cao khiến thấu kính mắt sưng lên, dẫn đến mờ mắt. Điều này có thể bị hiểu nhầm về các tình trạng về mắt khác của trẻ, vậy nên cha mẹ cần lưu ý và hỏi trẻ những vấn đề liên quan đến mắt nếu có.
7 Tê hoặc ngứa ran
Bệnh thần kinh do tiểu đường là một dạng tổn thương thần kinh do lượng đường trong máu cao trong thời gian dài. Nó có các dấu hiệu như có cảm giác như bị kim châm ở tay hoặc chân. Đây cũng là dấu hiệu dễ bỏ sót của bệnh tiểu đường ở trẻ em, do trẻ rất hay bị muỗi đốt và có nhiều vết đốt khó phân biệt được với tình trạng tê ngứa.
8 Vết loét lành chậm
Tình trạng này nên được cha mẹ chú ý nhiều hơn, khi con bị đau vết thương hoặc nhiễm trùng lâu lành hơn bình thường, đây có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2. Một số yếu tố gây nên tình trạng này như lượng đường trong máu cao, kết hợp với bệnh thần kinh do tiểu đường dẫn tới giảm lưu lượng máu đến vết thương khiến vết thương lâu lành.
9 Xuất hiện các vùng da tối màu
Những người mắc bệnh tiểu đường có thể xuất hiện các vùng da có nếp gấp sẫm màu hơn, chẳng hạn như vùng nách và vùng cổ. Triệu chứng này được gọi là acanthosis nigricans, nó không giống như vết bầm tím và có thể vùng da đó mịn hơn các vùng da khác.
10 Hơi thở có mùi trái cây
Tình trạng này cần đặc biệt lưu ý khi trẻ có hơi thở mùi trái cây. Triệu chứng này là do tình trạng nhiễm toan đái tháo đường và thường gặp ở bệnh tiểu đường tuýp 1. Đây là trường hợp đáng báo động đe dọa tính mạng cần được can thiệp y tế ngay lập tức.
Đối với trẻ bị tiểu đường tuýp 1 nên bắt đầu điều trị bằng insulin càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các vấn đề về thị lực và thần kinh vĩnh viễn. Lượng đường trong máu cao cũng có thể làm hỏng các mạch máu và các bệnh có liên quan đến bệnh thận, đột quỵ và đau tim. Điều quan trọng là bạn nên nhận biết được các dấu hiệu bệnh tiểu đường ở trẻ em nhằm đưa ra phương pháp điều trị kịp thời và hợp lý.
Xem thêm: Biến chứng tiểu đường có chữa được không?