Các dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh khác như: mệt mỏi, tiểu nhiều, tê bì tay chân,.. Do đó chúng ta cần tìm hiểu kĩ các dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường để có phác đồ điều trị sớm và hợp lý.
9 dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường
Dấu hiệu nhận biết số 1: Hay khát nước và đi tiểu nhiều lần
Cơ thể chúng ta sẽ tái hấp thu glucose khi đi qua thận. Nhưng khi mắc bệnh đái tháo đường, lượng đường trong máu tăng cao, thận không thể làm tốt công đoạn này. Người mắc bệnh đái tháo đường sẽ có dấu hiệu đi tiểu thường xuyên hơn dẫn đến mất nước và khát nước.
Khi đó, người bệnh sẽ uống nhiều nước hơn cũng sẽ đi tiểu nhiều hơn. Kết quả một vòng luẩn quẩn sẽ diễn ra: uống nhiều nước và đi tiểu nhiều hơn.
Dấu hiệu nhận biết số 2: Cảm thấy cơ thể mệt mỏi và yếu kém
Sau khi thức ăn đi vào cơ thể, cơ thể chuyển đổi thức ăn thành glucose – nguyên liệu sử dụng để các tế bào tạo năng lượng. Tuy nhiên, các tế bào cần có insulin để hấp thụ glucose mà cơ thể không sản xuất đủ hoặc các tế bào kháng lại insulin do cơ thể tạo ra.
Tình trạng này dẫn đến glucose sẽ không thể đi vào và tạo ra năng lượng. Hệ quả, cơ thể có dấu hiệu rơi vào trạng thái mệt mỏi hơn bình thường.
Dấu hiệu nhận biết số 3: Ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân
Nồng độ glucose trong máu người bị đái tháo đường tăng cao nên không thể sử dụng để chuyển hóa năng lượng. Vì vậy chất béo sẽ là nguồn dinh dưỡng thay thế để sử dụng tạo ra năng lượng cho cơ thể. Điều này dẫn đến sụt cân nhanh chóng dù người bệnh ăn nhiều.
Trong thực tế, việc ăn uống chỉ làm cho lượng đường trong máu cao hơn. Khi bạn thấy dấu hiệu ăn nhưng cơn đói không biến mất, bạn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ ngay cả khi bạn không có thêm bất kỳ dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường.
Dấu hiệu nhận biết số 4: Da xuất hiện các vết thâm nám
Các dấu hiệu như: da bị tối màu đi, một số vùng da bị sạm và xỉn màu hơn các vùng da khác,….Đó là sự thay đổi về sắc tố màu da, thường xuất hiện ở những vùng da có nếp nhăn hoặc nếp gấp: cổ, nách, bẹn, bên trong khuỷu tay, phía sau đầu gối và trên các ngón tay.
Dấu hiệu nhận biết số 5: Viêm nướu
Đối với bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, hệ thống miễn dịch bị suy giảm khiến cho việc chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn khó khăn hơn. Mà miệng là nơi chứa nhiều vi khuẩn nên nhận ảnh hưởng nhiều nhất, dấu hiệu là viêm nướu, viêm họng, viêm lợi …thường xuyên.
Dấu hiệu nhận biết số 6: Vết thương lâu lành
Khi lượng đường trong máu cao diễn ra trong một thời gian dài làm tăng chứng viêm trong các vết cắt, vết loét và dẫn đến sự lưu thông tuần hoàn máu kém. Vì vậy, người mắc bệnh đái tháo đường máu sẽ khó di chuyển đến và chữa lành những vùng da bị tổn thương.
Dấu hiệu nhận biết số 7: Tầm nhìn giảm sút
Tình trạng thay đổi lượng chất lỏng trong cơ thể liên tục khiến thủy tinh thể bị sưng lên. Khi đó mắt sẽ bị ảnh hưởng đến tầm nhìn khiến hình dạng của vật trở nên méo mó, độ nét của vật bị suy giảm.
Dấu hiệu nhận biết số 8: Rối loạn cương dương
Tình trạng rối loạn cương dương xuất hiện ở nam giới cũng là một dấu hiệu cần lưu ý. Bởi lẽ, lượng đường trong máu tăng cao trong một thời gian dài khiến cho cơ thể dễ bị mất kiểm soát. Từ đó dẫn đến hậu quả “trên bảo dưới không nghe”, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống vợ chồng…
Dấu hiệu nhận biết số 9: Ngứa da
Tình trạng ngứa da xuất hiện ở bệnh nhân đái tháo đường là do tình trạng mất nước trên da. Cơ thể cần một lượng nước lớn để tạo ra nước tiểu, do đó lượng nước cung cấp đến da không đủ. Khi đó, da sẽ xuất hiện dấu hiệu khô ráp, ngứa ngáy, dễ bị kích ứng.
Bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh hoàn toàn có thể phòng, tránh được nhờ tập luyện, ăn uống hợp lý. Để giữ gìn sức khỏe thật tốt, mọi người nên thường xuyên luyện tập thể dục ít nhất 30-60 phút mỗi ngày, giảm stress, giữ nếp sống lạc quan yêu đời. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên để chẩn đoán chính xác bệnh đái tháo đường.
Mong rằng những thông tin về dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường được chia sẻ trên đây thực sự hữu ích trong việc bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình!