Đái tháo đường nằm trong nhóm bệnh chuyển hóa phát triển nhanh nhất, luôn bị đe dọa bởi các biến chứng nặng như gây rối loạn chức năng các cơ quan trong cơ thể… Việc hiểu rõ về cách điều trị bệnh đái tháo đường giúp chúng ta biết cách phòng ngừa, chữa bệnh hiệu quả cho bản thân và người xung quanh.
Bệnh đái tháo đường là gì?
Bệnh đái tháo đường là một nhóm bệnh lý chuyển hóa có đặc điểm là tăng glucose máu, hậu quả của sự thiếu hụt bài tiết insulin, khiếm khuyết trong hoạt động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose máu mạn tính thường kết hợp với hủy hoại, rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể như mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.
Triệu chứng, biến chứng điển hình của bệnh đái tháo đường
Triệu chứng lâm sàng cổ điển của bệnh đái tháo đường
Các triệu chứng của đái tháo đường thường diễn biến âm thầm hoặc rất nhẹ, dưới đây là những triệu chứng điển hình giúp chúng ta nhận biết được bệnh đái tháo đường:
- Uống nhiều nước do tăng glucose máu làm mất nước tế bào dẫn đến khát.
- Đái nhiều do glucose niệu tăng dẫn đến tăng áp lực thẩm thấu trong nước tiểu.
- Ăn nhiều do giảm glucose dẫn đến thiếu năng lượng và đói.
- Gầy nhiều do giảm glucose làm cơ thể sử dụng lipid, protid dự trữ để sinh năng lượng.
Biến chứng nổi bật của đái tháo đường
Khi lượng đường trong máu tăng cao một cách không kiểm soát trong thời gian dài gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm và nặng nề như:
- Hạ đường huyết: mệt lả, chóng mặt; da xanh tái; buồn nôn; tiêu chảy; co giật; liệt nửa người; rối loạn cảm giác,..
- Xơ vữa thành mạch, rối loạn lipid máu.
- Mắt: giảm thị lực dẫn đến mù lòa, bệnh võng mạc, đục thủy tinh thể.
- Thận: suy thận mạn.
- Thần kinh: rối loạn cảm giác, vận động, thực vật.
- Da: nhiễm trùng da.
- Nhiễm trùng: lao, nấm phổi,…
Mục tiêu điều trị bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính không thể chữa khỏi, trừ một vài trường hợp như đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường do dùng thuốc,.. Vậy nên mục tiêu điều trị trong đái tháo đường không phải là trị dứt điểm đái tháo đường mà giúp ngăn ngừa và làm chậm hết mức có thể sự xuất hiện của các biến chứng, cụ thể như:
- Kiểm soát được đường huyết nhưng không gây hạ đường huyết. Duy trì chỉ số huyết áp ở mức 140/80 mmHg.
- Điều trị và ngăn ngừa các biến chứng, đặc biệt là nguy cơ tim mạch và các thành phần của hội chứng chuyển hóa.
Cách điều trị bệnh đái tháo đường không dùng thuốc
Điều trị bệnh đái tháo đường không dùng thuốc là một biện pháp tối ưu với những người mới mắc bệnh chưa cần dùng thuốc hoặc bổ trợ cho những bệnh nhân đã mắc bệnh đái tháo đường lâu năm.
Chế độ ăn
Chế độ ăn với người bệnh đái tháo đường là đặc biệt quan trọng, góp phần vào sự tiến triển của bệnh, bạn có thể tham khảo các chế độ ăn như sau:
- Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (4-6 bữa/ngày), ăn đều, ăn thêm bữa tối để tránh hạ đường huyết.
- Ăn rau (rau luộc), sau đó ăn đạm (ưu tiên các loại đạm nguồn gốc từ hải sản vì ít làm tăng đường huyết) và sau là ăn cơm. Lưu ý: Không cấm bệnh nhân ăn cơm
- Nên dùng đường đa (đường không hấp thu: tinh bột) ví dụ: cơm.
- Hạn chế tối đa đường đơn như bánh kẹo ngọt, hoa quả ngọt vì dễ gây tăng đường huyết. Ví dụ: Mít: 1 múi; Xoài: 1 miếng nhỏ; Nhãn: 2 quả; Vải: 1 quả;… Chỉ ăn những hoa quả ít ngọt như dưa chuột, bưởi,..
- Hạn chế ăn các thức ăn chứa nhiều cholesterol như trứng, phủ tạng động vật vì là nguy cơ cao gây xơ vữa động mạch, nếu có suy thận thì ăn giảm đạm.
- Kiêng rượu, bia.
Vận động thể lực
Bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường type 2 bắt buộc phải vận động. Vì khi vận động làm giảm hiện tượng kháng insulin, sẽ làm giảm đường máu và giảm liều insulin. Từ đó sẽ giúp giảm liều thuốc và chi phí điều trị cho bệnh nhân.
- Nguyên tắc: vận động hàng ngày, đều đặn, mức độ tương đương nhau. Phụ thuộc lứa tuổi, tình trạng tim mạch.
- Khuyến cáo: Luyện tập 1 tuần 5 buổi, mỗi buổi 30 phút đi bộ nhanh.
Với những bệnh nhân có nhiều biến chứng không thể đi bộ nhanh thì sẽ làm những động tác nhẹ nhàng hơn với thời gian hơn 30 phút như giặt quần áo mỏng bằng tay, lau nhà,..
Những bệnh nhân khỏe mạnh thì có thể bơi, chơi tennis, đánh cầu lông,…
Kiểm soát đường huyết
Bệnh đái tháo đường liên quan trực tiếp bởi đường huyết, vậy nên kiểm soát tốt đường huyết là một việc làm cần thiết trong điều trị bệnh này.
Về nguyên tắc: kiểm tra đường huyết thường xuyên, tối ưu nhất là đo 7 lần trong ngày:
- 6 lần ứng với thời điểm trước và sau 3 bữa ăn.
- 1 lần trước khi đi ngủ vì vào ban đêm sẽ có triệu chứng bị hạ đường huyết đặc biệt với những bệnh nhân có biến chứng thần kinh.
Từ đó điều chỉnh: tăng/ giảm thuốc, tăng/giảm glucid bữa ăn,..
Giáo dục bệnh nhân
Người bệnh nếu hiểu rõ về đái tháo đường và cách điều trị đái tháo đường sẽ giúp bệnh tiến triển một cách tích cực, vậy nên cần nâng cao nhận thức của bệnh nhân bằng những cách sau:
- Hiểu về bệnh và điều trị một cách căn bản (chế độ ăn, tập thể dục, cách dùng thuốc và cách đo đường huyết,..)
- Thực hiện nghiêm túc chế độ điều trị bệnh đái tháo đường.
- Cảnh giác, biết nhận biết và xử lý các biến chứng trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường.
- Khám định kỳ: Theo dõi đường huyết bằng máy cá nhân hàng tuần và khám định kỳ 1 tháng/ lần.
Cách điều trị bệnh đái tháo đường dùng thuốc
Cách điều trị bệnh đái tháo đường type 1
Mục tiêu điều trị bệnh đái tháo đường type 1 là giữ cho lượng đường trong máu gần với mức bình thường nhất, ngăn ngừa giúp làm chậm và giảm các biến chứng. Cách hiệu quả nhất để điều trị đái tháo đường type 1 là tiêm insulin (bắt buộc) theo đường tiêm dưới da.
Lưu ý: Không uống insulin vì insulin bản chất là protein sẽ bị phá hủy ở dạ dày.
Cách điều trị bệnh đái tháo đường type 2
Đối với việc điều trị bệnh đái tháo đường typ 2 cần lưu ý những vấn đề sau.
Bệnh nhân đái tháo đường type 2 ban đầu thường không rõ triệu chứng và có nhiều mức độ bệnh nên được điều trị theo phác đồ bậc thang.
Đối với chế độ ăn và luyện tập giúp hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường :
- Với những bệnh nhân typ 2 có nồng độ đường tăng vừa phải sẽ không dùng thuốc mà điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập.
- Nếu chế độ ăn và luyện tập không đạt sẽ dùng thuốc viên (1 thuốc viên), tiếp tục không đạt sẽ nâng dần lên thành kết hợp nhiều thuốc viên, kết hợp nhiều thuốc viên với insulin.
Các nhóm thuốc viên điều trị bệnh đái tháo đường typ 2 không phải insulin:
+ Nhóm Sulfonylurea: tăng tiết insulin ở tế bào beta đảo tụy
- Tác dụng phụ: Hạ đường huyết
- Thường chỉ định trong những năm đầu của đái tháo đường typ 2 vì sau đấy tế bào beta đảo tụy suy giảm khả năng tiết insulin.
+ Nhóm Biguanid: chỉ có Metformin được sử dụng vì có vai giảm kháng insulin.
- Tác dụng: không làm hạ đường huyết mà chỉ gây giảm đường huyết
- Chỉ định: Trong tất cả các trường hợp có hiện tượng kháng insulin.
+ Nhóm ức chế enzyme alpha- glucosidase: có vai trò giảm hấp thu glucose tại ruột, không phân hủy đường đa thành đường đơn.
+ Nhóm thuốc có tác dụng tăng tiết insulin tùy theo nồng độ glucose.
+ Nhóm ức chế kênh đồng vận chuyển Natri-glucose ở ống thận: làm tăng đào thải glucose trong nước tiểu.
Hi vọng qua bài này bạn sẽ hiểu rõ hơn về bệnh đái tháo đường và cách điều trị bệnh đái tháo đường để chăm sóc tốt cho bản thân và người xung quanh.