Bệnh đái tháo đường là căn bệnh phát triển nhanh và nguy hiểm bậc nhất hiện nay. Với những biến chứng của bệnh đái tháo đường cực kỳ nguy hiểm gây hủy hoại, rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Chúng ta không nên lơ là những triệu chứng và biến chứng của căn bệnh này, hãy cùng tìm hiểu biến chứng để kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường nhé.
Bệnh đái tháo đường là gì?
Bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính gây ra bởi sự thiếu hụt tương đối hoặc tuyệt đối insulin dẫn đến rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể. Bệnh được đặc trưng bởi tăng đường huyết lâu ngày kéo dẫn đến những tổn thương và rối loạn chức năng các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.
Cách nhận biết bệnh đái tháo đường
Bệnh nhân bị đái tháo đường thường hay có những triệu chứng cụ thể sau:
- Ăn nhiều: bệnh nhân thường xuyên cảm thấy đói và ăn rất nhiều do bị thiếu năng lượng.
- Uống nhiều do bị mất nước tế bào nên bệnh nhân rất khát và cảm thấy khô họng.
- Gầy nhiều: mặc dù bệnh nhân ăn rất nhiều nhưng cân nặng vẫn không tăng mà thậm chí còn bị sút cân.
- Đái nhiều: bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn so với người bình thường trong một ngày.
- Rối loạn thị giác.
- Viêm âm hộ, âm đạo, viêm niệu đạo, bao quy đầu (do nhiễm trùng tiết niệu- sinh dục).
Biến chứng của bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều loại biến chứng khôn lường, thâm chí khi các biến chứng này xuất hiện thì bệnh nhân mới nghĩ đến việc mình mắc bệnh đái tháo đường. Biến chứng của bệnh đái tháo đường được phân loại thành biến chứng cấp tính, biến chứng mạn tính và một số biến chứng khác.
Biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường
- Hạ đường huyết: bệnh nhân có dấu hiệu mệt lả, chóng mặt; Da xanh tái, vã mồ hôi; Đau ngực, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn; Co giật, rối loạn cảm giác, hôn mê do sử dụng insulin trong điều trị, nhịn ăn, tập luyện quá mức.
- Hôn mê do nhiễm toan lactic: Nguyên nhân là do tình trạng hóa yếm khí glucose. Bệnh nhân có các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, hạ huyết áp, trụy tim mạch. Hô hấp nhanh, hơi thở có mùi táo chín, ý thức thì lơ mơ, hôn mê li bì. Lượng nước tiểu trong 24 giờ giảm hoặc thậm chí là khó đi tiểu.
- Hôn mê do nhiễm toan ceton: Chủ yếu gặp ở đái tháo đường typ 1. Bệnh nhân có các biểu hiện như mất nước (da khô, mắt trũng, nhịp tim nhanh); Tiêu hóa kém (đói cồn cào, tiêu chảy); Ý thức lơ mơ, u ám, hôm mê.
- Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu: Chủ yếu gặp ở đái tháo đường typ 2. do nguyên nhân mất nước ở các tế bào thần kinh ở não mà bệnh nhân có các biểu hiện như mất nước nặng, mất cảm giác vận động, mất phản xạ gân xương, vật vã, li bì, hôn mê, hơi thở có mùi táo chín,…
Biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường
Biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường diễn ra phụ thuộc vào sự kiểm soát đường huyết của bệnh nhân. Nếu kiểm soát không tốt thì biến chứng xuất hiện rất nhanh còn nếu tốt thì sẽ xuất hiện muộn hơn.
Biến chứng mạch máu lớn
Các biến chứng ở mạch máu lớn là nguyên nhân gây tử vong chính, thường gặp hơn ở đái tháo đường type 2.
- Tăng huyết áp: huyết áp cao góp phần làm tăng các biến chứng tim mạch, đẩy nhanh quá trình tạo ra các biến chứng mạch máu nhỏ.
- Xơ vữa thành mạch xuất hiện sớm, tiến triển nhanh và trầm trọng; rối loạn lipid máu gây ra bệnh nhồi máu cơ tim, suy tim; Tai biến mạch máu não; Tắc mạch chi, hoại tử, loét bàn chân.
Biến chứng mạch máu nhỏ
Biến chứng mạch máu nhỏ hay còn gọi là bệnh vi mạch trong đái tháo đường. Các mạch nhỏ bị lắng đọng dần sẽ gây hẹp và tắc các mạch gây ra các biến chứng nguy hiểm về:
- Mắt: giảm thị lực và nguy cơ gây mù
- Thận: tắc mạch thận gây thiếu máu đến thận gây giảm mức lọc cầu thận dẫn đến suy thận mạn tính.
- Thần kinh: Giảm hoặc mất vận động và cảm giác; rối loạn thần kinh cảm giác như không có cảm giác đói. từ từ hạ đường huyết dẫn đến hôn mê và gây tử vong.
Các biến chứng của bệnh đái tháo đường khác
Ngoài những biến chứng kể trên vẫn còn những biến chứng của bệnh đái tháo đường khác hết sức nặng nề mà chúng ta không nên chủ quan như:
- Nhiễm trùng: Dễ xảy ra do glucose máu tăng và là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, hạn chế sự di chuyển của bạch cầu. Bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn và khi bị nhiễm khuẩn thường rất nặng. Các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp như: viêm răng lợi, viêm ống tai ngoài, lao phổi, nấm da,..
- Bệnh lý bàn chân như loét bàn chân và cẳng chân. Khi nhiễm trùng nặng, ổ loét có thể không lành được và có nguy cơ phải cắt cụt chi.
- Tổn xương khớp: Khô và cứng khớp gây hạn chế vận động.
Cách phòng tránh bệnh đái tháo đường
Dưới đây là các cách phòng tránh bệnh đái tháo đường hiệu quả mà dễ thực hiện, hay được bác sĩ khuyên dặn nhất đối với bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.
+ Chế độ ăn uống hợp lý là rất quan trọng để phòng bệnh đái tháo đường:
- Đảm bảo khẩu phần ăn cân đối, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và muối khoáng, nên dùng đường đa (như tinh bột,..) và hạn chế các loại đường khó hấp thu (bánh ngọt, kẹo, hoa quả ngọt,…)
- Hạn chế mỡ động vật, nội tạng động vật, trứng,..
- Kiêng bia rượu.
+ Vận động thể lực: giúp giảm cân, kháng insulin, cải thiện sự dung nạp glucose và nồng độ lipid máu. Vận động tùy thuộc vào lứa tuổi, tình trạng tim mạch,..
+ Khám sức khỏe định kỳ để có sự tư vấn hợp lý của bác sĩ khi có vấn đề xảy ra.
Qua bài viết trên có thể thấy căn bệnh đái tháo đường rất nguy hiểm với những biến chứng nặng nề đối với cơ thể người bệnh. Hãy cùng chung tay phòng ngừa và điều trị triệu chứng, biến chứng của bệnh đái tháo đường để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.