Như chúng ta đã biết giai đoạn cuối là giai đoạn vô cùng nguy hiểm và bệnh tiến triển rất nhanh. Bệnh tiểu đường giai đoạn cuối cũng vậy, hầu hết các biến chứng của bệnh sẽ xuất hiện cùng lúc và người bệnh lúc này chủ yếu điều trị triệu chứng nhằm kéo dài tuổi thọ.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường giai đoạn cuối
Với bệnh tiểu đường tuýp 1, tiểu đường thứ phát và tiểu đường thai kỳ thường không chia giai đoạn. Tuy nhiên, đối với tiểu đường tuýp 2 thường được chia thành 4 giai đoạn chính: tiền tiểu đường, tiểu đường tuýp 2, giai đoạn biến chứng và tiểu đường giai đoạn cuối.
Biến chứng tiếu đường giai đoạn cuối
Khi bệnh tiểu đường bước sang giai đoạn cuối thường xuất hiện các biến chứng sau:
Biến chứng mắt
Do xuất hiện nhiều biến chứng cùng lúc, đồng thời phải dùng nhiều thuốc nên việc kiểm soát lượng đường trong máu gặp nhiều khó khăn. Đường huyết liên tục tăng cao dẫn tới tăng áp lực thẩm thấu ở mạch máu mắt gây xuất huyết, tổn thương võng mạc, phù võng mạc. Tình trạng này kéo dài dẫn tới đục thủy tinh thể và lúc này người bệnh mất thị lực. Vậy nên biến chứng mắt ở bệnh tiểu đường là nguyên nhân chính gây mù lòa.
Suy thận
Khi lượng đường trong máu quá cao sẽ tạo áp lực lên thận, do thận phải tăng cường hoạt động đào thải glucose khỏi máu. Lúc này cầu thận bị tổn thương, và có thể dẫn đến suy thận nếu diễn ra trong thời gian dài.
Tiểu đường giai đoạn cuối có thể khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm bàng quang, viêm niệu đạo hoặc viêm thận – bể thận.
Các biến chứng trên mạch máu lớn
- Tăng glucose máu cùng những rối loạn về lipid máu dẫn đến vữa xơ động mạch: não, vành và các động mạch chi dưới.
- Những biểu hiện của xơ vữa động mạch não thường có triệu chứng nhức đầu, lú lẫn, thoáng quên, nhồi huyết não, xuất huyết não.
- Biểu hiện tim mạch: những cơn đau thắt ngực xuất hiện do xơ vữa động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, suy tim.
- Biểu hiện ở chi dưới: hẹp hoặc tắc động mạch chi dưới do các mảng vữa xơ làm chít hẹp dẫn đến hoại tử chi, nhiều trường hợp phải cắt cụt.
Biến chứng tiêu hóa
- Viêm lợi, lung lay răng và dễ rụng răng.
- Ỉa chảy là triệu chứng hay gặp. Nguyên nhân có thể do thiếu men tiêu hóa của tụy, viêm dạ dày do tổn thương vi mạch tại ruột dẫn đến thiếu máu chi phối, do rối loạn thần kinh thực vật.
- Viêm dạ dày thiểu toan, thiểu tiết.
- Rối loạn chức năng gan: Những rối loạn quá trình phân hủy lipid ở ngoại vi dẫn đến tăng ứ đọng các axit béo gan. Tiểu đường là một trong các nguyên nhân của gan nhiễm mỡ, lâu ngày có thể gây suy gan và suy chức năng gan.
Biến chứng bàn chân
Biến chứng bàn chân do tổn thương đơn độc hoặc kết hợp của bệnh lý thần kinh – mạch máu – nhiễm trùng. Các triệu chứng hay gặp:
- Dị cảm: tê như kim châm, kiến bò, bỏng rát..
- Giảm hoặc mất cảm giác.
- Đau âm ỉ hoặc kịch phát.
- Loét, hoại tử.
Tiểu đường là một trong những nguyên nhân gây cắt đoạn chi.
Trên đây là những biến chứng hay gặp của bệnh tiểu đường giai đoạn cuối mà người bệnh có thể gặp phải nếu không kiểm soát tốt đường huyết. Bệnh nhân cần tuyệt đối cảnh giác và có chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ nhằm kéo dài tuổi thọ khi đã bước sang giai đoạn tiểu đường giai đoạn cuối.
Bệnh nhân tiểu đường giai đoạn cuối cần phải làm gì?
Kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường giai đoạn cuối rất khó do lúc này rất nhiều biến chứng xuất hiện cùng lúc. Vậy để đối mặt với giai đoạn này người bệnh cần:
Theo dõi thường xuyên lượng glucose trong máu
Ngay từ những ngày đầu điều trị tiểu đường, bệnh nhân nên kiểm tra đường huyết thường xuyên, tuy nhiên ở giai đoạn cuối cần kiểm soát chặt chẽ hơn. Đối với việc theo dõi đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường giai đoạn cuối, tốt nhất nên kèm theo sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa. Như vậy, có thể đánh giá chính xác tình trạng bệnh và có biện pháp cải thiện bệnh phù hợp.
Chú trọng đến chế độ ăn uống
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh nhân tiểu đường giai đoạn đầu là thường xuyên xuất hiện cảm giác thèm ăn, ăn liên tục. Tuy nhiên ở tiểu đường giai đoạn cuối người bệnh do quá mệt mỏi nên thường chán ăn.
Để chống lại bệnh tật không những bệnh nhân mà người nhà bệnh nhân cần giữ vững tinh thần tốt, luôn tận tâm chăm sóc giúp bệnh nhân ăn uống điều độ, lựa chọn những món ăn hợp khẩu vị để kích thích ăn uống nhằm ổn định đường huyết. Việc kết hợp giữa người nhà bệnh nhân và bác sĩ rất quan trọng trong quá trình kiểm soát đường huyết.
Sử dụng các thuốc hạ đường huyết và insulin
Ở bệnh nhân tiểu đường giai đoạn cuối, thuốc hạ đường huyết cũng như insulin như là vị cứu tinh. Lúc này mọi ảnh hưởng liên quan đến đường huyết đều gây nên những biến chứng nguy hiểm và các liệu pháp như dinh dưỡng hay luyện tập thể dục không thể nào kiểm soát đường huyết được nữa.
Tuy nhiên, thể trạng bệnh nhân lúc này rất yếu, các tạng hầu như đã kém dần. Vậy nên, việc dùng thuốc phải rất cẩn thận và cần được kiểm soát chặt chẽ bởi bác sĩ tránh ảnh hưởng xấu đến các cơ quan của cơ thể.
Trên đây là những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường giai đoạn cuối cũng như những giải pháp nhằm giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ. Mặc dù giai đoạn cuối là giai đoạn nguy hiểm nhưng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hãy cố gắng giữ cho mình tinh thần lạc quan và ý chí mạnh mẽ để chống lại bệnh tiểu đường giai đoạn cuối.