10 thói quen xấu tăng nguy cơ bệnh tiểu đường

Những thói quen xấu trong ăn uống cũng như trong sinh hoạt hằng ngày, không chỉ liên quan đến tình trạng béo phì hiện nay mà còn là nguyên nhân của sự gia tăng bệnh tiểu đường tuýp 2 trên toàn thế giới. Dù bạn không mắc bệnh tiểu đường, nhưng nếu bạn không từ bỏ những thói quen xấu thì cũng có thể có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2. Vậy những thói quen xấu đó là gì, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nào.

Những thói quen xấu trong ăn uống 

Thói quen nhấm nháp đồ uống có đường

Uống nhiều đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên béo phì.

Những đồ uống như trà ngọt, soda thông thường là chất lỏng chứa đường không có giá trị dinh dưỡng và không có cảm giác no. Bác sĩ dinh dưỡng khuyên bạn: khi khát, hãy uống nước lọc, sữa ít béo hoặc một số lựa chọn tốt khác. Khi bạn thèm nước ép trái cây, hãy đảm bảo đó là nước ép 100% và dừng lại ở mức nửa cốc.

Xem thêm: Đồ uống tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Bỏ bữa sáng

Mỗi buổi sáng bạn luôn vội vã đi làm và quên mất bữa sáng của mình.

thói quen bỏ bữa sáng

Như chúng ta đều biết rằng bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày và khi nói đến việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường thì điều đó thực sự đúng. Việc bỏ bữa sáng sẽ khiến bạn đói vào cuối buổi sáng và là yếu tố thuận lợi dẫn tới bệnh tiểu đường tuýp 2.

Việc bỏ đói bản thân cho đến bữa trưa sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền làm gián đoạn lượng insulin và ảnh hưởng đến kiểm soát lượng đường trong máu. Vậy nên hãy dành thời gian ăn một bữa sáng đơn giản, cân bằng nhằm kiểm soát cân nặng cũng như đường huyết.

Không ăn rau củ thường xuyên

Việc bổ sung chất xơ cho cơ thể rất quan trọng đối với bệnh tiểu đường. Ăn thức ăn nhiều chất xơ giúp cho việc kiểm soát đường huyết của bạn tốt hơn vì lúc này thức ăn sẽ được tiêu hóa từ từ và lượng đường trong máu sẽ không tăng lên đột ngột.

Xem thêm: Các loại thực phẩm tốt cho bệnh tiểu đường.

Ngoài ra những loại trái cây như quả mọng và những quả tốt cho bệnh nhân tiểu đường có chứa nhiều chất chống oxy hóa, những thực phẩm này giúp ổn định huyết áp, giảm các triệu chứng viêm, đồng thời cải thiện tình trạng kháng insulin nhằm kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.

Không ăn cá

Nếu bạn luôn không thích ăn cá, thì lúc này bạn nên xem xét lại nguồn protein hữu ích này.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, cá hồi, cá ngừ, cá thu và cá mòi rất giàu axit béo omega-3, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và huyết áp cao, giữ cho động mạch khỏe mạnh và cũng rất tốt để ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Vậy nên bạn nên cố gắng ăn ba lần mỗi tuần.

Nguồn dinh dưỡng từ cá

Thường xuyên ăn những thực phẩm chứa nhiều tinh bột

Có phải trên đĩa ăn của bạn có quá nhiều tinh bột? Nếu bạn ăn quá nhiều mì ống, khoai tây và bánh mì trắng sẽ khiến lượng đường trong trong máu của bạn tăng đột biến và sẽ tăng cân.

Để kiểm soát khẩu phần ăn cũng như cân nặng của bạn, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyên bạn nên hạn chế lượng carbohydrate trong chế độ ăn của mình ở mức 1/4 đĩa ăn của bạn.

Thói quen xấu trong sinh hoạt 

Ăn nửa đêm

Mọi người đã chìm vào giấc ngủ còn bạn vẫn đang ở trong bếp và nhấm nháp đồ ăn. Bạn hãy cẩn thận với kiểu ăn uống này vì nó sẽ khiến lượng đường trong máu tăng đột biến và làm gián đoạn quá trình tiết insulin, vậy nên đây là một thói quen xấu cần bỏ nếu bạn muốn ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2.

Ăn đêm, thói quen xấu tăng nguy cơ tiểu đường
Ăn đêm, thói quen xấu tăng nguy cơ tiểu đường

Bằng cách ăn ba bữa ăn cân bằng mỗi ngày, bạn sẽ giúp ngăn chặn cảm giác thèm ăn vào ban đêm và kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Nhưng nếu bạn phải ăn nhẹ muộn, bạn nên ăn những thực phẩm lành mạnh như rau quả và cố gắng giảm tần suất ăn đêm nhất có thể.

Bạn thường xuyên dùng mọi thứ với bơ

Liệu rằng vào mỗi buổi sáng bạn có phủ bơ trên bánh mì một lớp bơ khá dày không?

Bơ và các chất béo bão hòa khác có liên quan đến tình trạng kháng insulin, một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 2. Dầu làm từ thực vật có chứa chất béo không bão hòa là một lựa chọn thay thế lành mạnh hơn. 

Ví dụ: dầu ô liu nguyên chất tốt cho tim và đây là lựa chọn tốt nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng dầu rất giàu calo và việc sử dụng quá nhiều trong nấu ăn dễ dẫn đến tăng cân.

Mua sắm theo bản năng

Để ngăn ngừa bệnh tiểu đường và đạt được mức giảm cân như mong muốn, việc lập kế hoạch là rất quan trọng. Vậy nên hãy dành thời gian để tạo thực đơn và lập danh sách các mặt hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe mà bạn cần từ cửa hàng. Điều này sẽ giúp bạn chống lại việc mua sắm bốc đồng và tránh được các đồ ăn vặt. 

Bên cạnh đó, trong thực đơn hằng ngày hãy luôn duy trì chế độ ăn nhiều rau, vì đây là bí quyết để kiểm soát tốt lượng đường trong máu và đẩy lùi bệnh tiểu đường.

Ăn uống theo cảm xúc

Theo một nghiên cứu của Hà Lan đáng giá việc giảm cân (và thiếu cân) trong số 1500 người, những người có cảm giác buồn bã, tuyệt vọng hoặc thậm chí vô dụng có thể dẫn đến ăn quá nhiều và tăng cân. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những người bị trầm cảm cũng ít có khả năng thực hiện tốt các kế hoạch để kiểm soát đường huyết.

Nỗi buồn khiến bạn ăn nhiều hơn

Vậy nên, hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nghi ngờ bị trầm cảm để có thể nhận được sự trợ giúp kịp thời. Khi có một tinh thần tốt, bạn sẽ chăm sóc bản thân tốt hơn, từ đó kiên trì nỗ lực giảm cân và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Bạn là một cú đêm?

Khi bạn ngủ ít hơn sáu giờ, bạn sẽ phá vỡ các hormone kiểm soát lượng đường trong máu và bạn rất dễ ăn đêm,  điều đó có thể dẫn đến tăng cân. Việc bỏ lỡ giấc ngủ của bạn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn, vì vậy giấc ngủ rất quan  trọng và được ưu tiên hàng đầu.

Nếu bạn có bất kỳ biểu hiện lạ về giấc ngủ như ngáy khi ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, bạn nên báo cho bác sĩ vì điều đó có ảnh hưởng đến đường huyết và sức khỏe tim mạch và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *