Bạn có từng nghe về quy tắc ăn cho người tiểu đường? Mặc dù thể trạng của mỗi người là khác nhau và có nhiều loại bệnh tiểu đường nhưng không có một chế độ ăn kiêng nào riêng biệt dành cho tất cả những người mắc bệnh tiểu đường. Sẽ có những quy tắc chung được đưa ra giúp cho tất cả người bệnh kiểm soát tốt hơn về chế độ ăn của mình, từ đó tránh được các thực phẩm không tốt cho sức khỏe, đồng thời cải thiện tình trạng bệnh theo hướng tốt hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về quy tắc ăn cho người bệnh tiểu đường nhằm kiểm soát mức đường huyết tốt nhất.
Quy tắc ăn cho người tiểu đường có ý nghĩa gì?
Nếu bạn đang mắc bệnh tiểu đường, việc đếm lượng carbohydrate thực sự quan trọng để giữ mức đường huyết ổn định. Bên cạnh đó vấn đề cân nặng của bạn cũng là điều nan giải trong quá trình điều trị bệnh, vậy kế hoạch giảm cân sẽ như thế nào?
Lúc này người bệnh cần kỷ luật với bản thân mình hơn, nhất là trong chế độ ăn uống hằng ngày. Vậy nên, cần có một số quy tắc được đặt ra làm tiêu chuẩn giúp người bệnh nhận biết được những thực phẩm được xem là có lợi và bất lợi cho bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nên bắt đầu từ đâu hay như thế nào quả thực là khó khăn khi trước mắt bạn là vô vàn nguồn thực phẩm khác nhau, và bạn không phải là một chuyên gia dinh dưỡng để đánh giá độ tốt xấu của những sản phẩm này. Một số quy tắc ăn cho người tiểu đường dưới đây sẽ giúp bạn bớt lo lắng về kế hoạch ăn uống sắp tới.
Các quy tắc ăn cho người tiểu đường
1. Chọn carbohydrate lành mạnh
Tất cả các loại carbohydrate đều ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, vì vậy điều quan trọng là phải biết loại thực phẩm nào chứa carbohydrate lành mạnh. Dưới đây là một số nguồn carbohydrate lành mạnh:
- Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, kiểu mạch và yến mạch nguyên hạt.
- Trái cây.
- Các loại đậu: đậu xanh, đậu lăng.
- Sữa: sữa và sữa chua không đường.
Bên cạnh đó nên bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn giúp đường huyết không tăng đột ngột.
2. Ăn ít muối
Ăn nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, đây là nguyên nhân dẫn tới các bệnh như tim và đột quỵ. Đặc biệt khi bạn mắc bệnh tiểu đường, đây là mối nguy hiểm tiềm tàng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vậy nên, hãy cố gắng giới hạn bản thân ở mức tối đa 6g muối mỗi ngày, tránh các thực phẩm đóng gói sẵn có chứa muối.
3. Ăn nhiều trái cây và rau
Chúng ta vẫn biết rằng ăn trái cây và rau rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên với bệnh nhân tiểu đường loại trái cây nào là phù hợp và thời điểm nào ăn trái cây giúp ổn định đường huyết. Tốt nhất bạn nên ăn nhiều hơn trong bữa chính và dùng trái cây như đồ ăn nhẹ nếu bạn đói. Trái cây bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ mà cơ thể cần hằng ngày nên hãy tạo thói quen ăn nhiều trái cây và rau quả.
Xem thêm: Hoa quả cho người tiểu đường (dkbetics.com)
4. Lựa chọn chất béo lành mạnh
Tất cả chúng ra đều cần chất béo trong chế độ ăn uống vì nó cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động. Tuy nhiên có rất nhiều loại chất béo khác nhau và nó ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta theo những cách khác nhau. Một số chất béo xấu có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu, tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, thay vào đó hãy dùng các sản phẩm chứa chất béo lành mạnh như các loại hạt, quả bơ, dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu hướng dương.
5. Cắt giảm lượng đường
Có lẽ đây là quy tắc ăn cho người tiểu đường mà bạn cần lưu ý nhất, bởi lẽ nó ảnh hưởng trực tiếp đến mức đường huyết của bạn. Bạn đang có thói quen ăn nhiều đồ ngọt, bỗng dưng một ngày phát hiện mình bị bệnh tiểu đường và phải cắt giảm khẩu phần ăn, có lẽ sẽ rất khó chịu, tuy nhiên bạn nên nhìn rõ lợi ích của vấn đề này. Việc cắt bỏ lượng đường tự do có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu đồng thời kiểm soát cân nặng của mình phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.
Thay vì cắt bỏ đột ngột, bạn có thể cắt bỏ từ từ tạo thói quen dùng ít đường và các sản phẩm ít ngọt hay loại bỏ các đồ uống chứa đường. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn với thói quen lành mạnh này.
6. Lựa chọn đồ ăn nhẹ thông minh
Nếu bạn muốn ăn nhẹ, hãy chọn sữa chua, các loại hạt không muối, hạt, trái cây và rau thay vì khoai tây chiên giòn, khoai tây chiên, bánh quy và socola. Nhưng hãy chú ý đến khẩu phần ăn của bạn – nó sẽ giúp bạn theo dõi cân nặng của mình.
Bên cạnh những quy tắc ăn cho người tiểu đường thì hoạt động thể chất nhiều hơn là một phần trong quá trình điều trị bệnh. Điều này giúp tăng lượng glucose được cơ bắp sử dụng và giúp cơ thể điều chỉnh lượng insulin hiệu quả hơn. Cố gắng dành ít nhất 150 phút hoạt động với cường độ vừa phải mỗi tuần. Sau khi thực hiện các quy tắc này bạn sẽ có một thói quen sống lành mạnh mà từ đó cuộc sống của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn.