Giấc ngủ có vai trò quan trọng tương đương nhu cầu dinh dưỡng hay chế độ vận động. Theo bác sĩ Gregg Faiman, bác sĩ nội tiết tại Đại học Hospitals Case Medical Center, Cleveland (Mỹ), ngủ quá ít khiến cơ thể phải chịu áp lực, sản sinh hormone cortisol. Điều đó làm giảm đề kháng insulin và tăng lượng đường trong máu.
Bệnh nhân tiểu đường cần chú trọng những lưu ý sau để có một giấc ngủ ngon giấc.
TẮT THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ
Sử dụng các thiết bị điện tử liên tục trước khi ngủ là nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Tiếp xúc với ánh sáng từ điện thoại quá nhiều trước khi ngủ có thể làm tăng insulin, khiến đường glucose không được vận chuyển đến các tế bào. Kết quả là lượng đường trong máu sẽ luôn cao.
Đây là phát hiện của một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS ONE vào tháng 5. Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tắt nguồn sáng (bao gồm điện thoại, tivi và máy tính) trước khi đi ngủ. Để ngon giấc, bạn nên giữ phòng ngủ tối suốt đêm.
Tắt các thiết bị điện tử khi ngủ
Lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp có thể khiến người mắc bệnh tiểu đường thức giấc giữa đêm.
Bierman Pape (phát ngôn viên Hiệp hội các nhà giáo dục bệnh đái tháo đường Mỹ) cho biết: “Giữ nồng độ đường trong máu ở mức không quá cao hoặc quá thấp, bạn sẽ có giấc ngủ yên”.
Hầu hết người lớn cần ngủ ít nhất 7-9 giờ một đêm. Tiến sĩ Strohl – Trung tâm giấc ngủ quốc gia Mỹ (NSF) – cho biết: “Giấc ngủ cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt là những bệnh nhân tiểu đường. Bạn phải ưu tiên việc ngủ hơn xem tivi hay nói chuyện điện thoại”.
Rượu ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Khi uống rượu, gan của bạn phải mất khoảng 2 tiếng để giải phóng glucose làm sạch rượu trong máu. Nếu không thể từ chối lời mời, bạn nên uống rượu cách xa thời gian ngủ.
Theo các bác sĩ, người mắc bệnh tiểu đường nên duy trì thói quen ngủ đúng giờ. Điều đó giúp đồng hồ sinh học của cơ thể làm việc tốt nhất. Thiết lập được cơ chế hoạt động định kỳ của cơ thể giúp bạn đi vào giấc ngủ và thức dậy dễ dàng hơn.
Cố gắng giữ tinh thần thư thái trước khi ngủ. Nếu khó ngủ, bạn có thể đọc sách để cân bằng lại cảm xúc.
Những bệnh nhân tiểu đường thường căng thẳng hơn người bình thường bởi vấn đề sức khỏe luôn thường trực và ám ảnh tâm trí. Khi đó, việc tìm phương thức giải trí để giảm bớt mệt mỏi là điều cần thiết. Bạn có thể hít thở sâu, yoga, thiền, đọc sách hoặc thư giãn với các hoạt động mà mình thích. Nếu tình trạng khó ngủ kéo dài 20 phút, bạn hãy ra khỏi giường và làm gì đó cho đến khi buồn ngủ.
Bạn sẽ ngủ ngon hơn vào ban đêm nếu tập thể dục trong ngày. Bệnh nhân tiểu đường nên dành ít nhất 10 phút để tập thể dục. Thói quen này còn giúp bạn đốt cháy calo và duy trì trọng lượng cơ thể, giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn.