Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim mạch, bệnh thận và tổn thương thần kinh. Vì vậy bệnh nhân tiểu đường cần được hạn chế nghiêm ngặt việc tiêu thụ đồ ngọt có đường và tuân thủ một chế độ ăn uống riêng. Bên cạnh đó có rất nhiều loại trái cây có chứa nhiều vitamin và khoáng chất đặc biệt là đu đủ, vậy người tiểu đường có nên ăn đu đủ hay không? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Người tiểu đường có nên ăn đu đủ hay không?
Đu đủ là nguồn thực phẩm dồi dào chứa các vitamin thiết yếu như vitamin A, B, C và E. Ngoài ra, đu đủ còn có các khoáng chất như Magie, đồng, kali, gluten, acid pantothenic và chất chống oxy hóa như lycopen nên được cho là thực phẩm tối ưu cho sức khỏe. Tuy nhiên vì đu đủ cũng chứa đường nên nhiều người sẽ thắc mắc liệu người tiểu đường có nên ăn đu đủ hay không?
Chuyên gia dinh dưỡng của Mỹ đã giải đáp thắc mắc này, tin vui là đu đủ an toàn cho người bị bệnh tiểu đường. Thành phần dinh dưỡng của đu đủ cho thấy, mặc dù có vị ngọt nhưng lại chứa nhiều chất xơ, nên đây là món ăn lành mạnh cho người bệnh tiểu đường. Mặc dù vậy nhưng người bệnh tiểu đường vẫn phải cẩn thận, chỉ nên ăn đu đủ như một bữa ăn nhẹ giữa ngày với số lượng hạn chế và không ăn quá nhiều để giữ mức đường huyết trong tầm kiểm soát.
Lượng đu đủ cần thiết trong ngày cho người tiểu đường
Để giữ mức đường huyết không tăng đột biến, người bệnh tiểu đường nên ăn một phần đu đủ vừa phải. Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khuyên bệnh nhân tiểu đường nên ăn tối đa 1 chén đu đủ mỗi ngày.
Theo bộ Nông nghiệp của Mỹ, một chén đu đủ chứa khoảng 11g đường, mặc dù có hàm lượng calo thấp nhưng đu đủ có chứa đường hữu cơ, do đó không nên ăn quá nhiều. Bên cạnh đó, đu đủ có mức đường huyết ở mức trung bình và chứa rất nhiều chất xơ, cả hai đều giúp làm chậm quá trình hấp thu đường trong cơ thể do đó không làm tăng lượng đường trong máu quá nhanh.
Các chuyên gia y tế khuyên người bị bệnh tiểu đường nên ăn đu đủ cho bữa ăn nhẹ hoặc vào buổi sáng, tránh ăn trái cây vào buổi tối. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy ăn đu đủ cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu, theo một số báo cáo, đu đủ có tác dụng giảm mức đường huyết cao. Đu đủ có chứa flavonoid có đặc tính chống oxy hóa tự nhiên có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, tuy nhiên cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa trước khi đưa ra kết luận chính xác về điều này.
Một số trái cây phù hợp cho người tiểu đường
Ngoài đu đủ, người tiểu đường có thể bổ sung thêm một số trái cây có chỉ số đường huyết thấp như:
- Họ nhà cam: cam, quýt, bưởi.
- Trái họ quả mọng: dâu tây, việt quất.
- Ổi.
- Chuối.
- Lê.
Tuy nhiên khi lựa chọn trái cây cho người tiểu đường cần lưu ý những điều sau:
- Ưu tiên hoa quả có lượng đường thấp giúp người bệnh duy trì được mức đường huyết ổn định sau khi ăn.
- Ăn đúng thời điểm: Người bệnh tiểu đường nên ăn hoa quả vào bữa nhẹ hoặc buổi sáng, tránh ăn ngay sau khi ăn bữa chính vì có thể gây tăng đường huyết quá mức.
- Theo dõi phản ứng của cơ thể: Do không thể biết chính xác lượng đường trong mỗi khẩu phần ăn nên người bệnh cần đo đường huyết sau khi ăn mỗi loại hoa quả để có kế hoạch ăn uống hợp lý.
- Ăn đa dạng: Khẩu phần ăn hoa quả của người bệnh tiểu đường nên đa dạng. Mỗi ngày cần tiêu thụ từ 2-3 loại quả khác nhau, tuy nhiên lượng trái cây tiêu thụ không vượt quá 160-240g/ ngày.
Qua bài viết trên, hẳn bạn đã biết được người tiểu đường có nên ăn đu đủ và những lợi ích của đu đủ đem lại cho chúng ta mỗi ngày. Từ đó biết được cách lựa chọn loại trái cây phù hợp cũng như những lưu ý khi ăn trái cây cho người tiểu đường để có thể kiểm soát tốt đường huyết hạn chế tối đa các biến chứng tiểu đường gây nên.
Xem thêm: Tránh ăn gì để ngăn ngừa biến chứng tiểu đường?