Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến trẻ em ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhìn chung đều gây nhiều bất lợi và khó khăn cho trẻ và gia đình. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm trẻ em có thể học được cách kiểm soát bệnh tiểu đường và giữ sức khỏe tốt nhất có thể. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh tiểu đường cũng như những loại tiểu đường có thể ảnh hưởng đến trẻ em.
Những loại tiểu đường ảnh hưởng đến trẻ em
Bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 là những tình trạng bệnh lý khác nhau, nhưng cả hai đều ảnh hưởng đến việc sử dụng insulin của cơ thể. Mặc dù tuýp 1 phổ biến ở người trẻ tuổi hơn nhưng cả hai loại đều là bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến trẻ em.
Bệnh tiểu đường tuýp 1
Bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em, trước đây gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên, xảy ra khi tuyến tụy không thể sản xuất insulin. Nếu không có insulin, đường không thể di chuyển từ máu vào thế bào và dẫn tới lượng đường trong máu cao. Mọi người có thể mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 ở mọi lứa tuổi, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành.
Ước tính 85% số người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 xuất hiện ở những người dưới 20 tuổi. Việc điều trị bệnh chủ yếu sử dụng insulin suốt đời và theo dõi đường huyết cũng như quản lý chế độ ăn uống và tập thể dục để giúp duy trì lượng đường trong máu trong phạm vi mục tiêu.
Bệnh tiểu đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2 ít phổ biến hơn ở trẻ nhỏ nhưng có thể xảy ra khi insulin không hoạt động bình thường. Nếu không có đủ insulin, glucose có thể tích tụ trong máu dẫn tới tăng đường huyết. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 tăng lên khi người ta già đi, nhưng trẻ em cũng có thể mắc bệnh này. Tỷ lệ bệnh tiểu đường tuýp 2 đang tăng cùng với sự gia tăng tình trạng béo phì ở trẻ em.
Hơn 75% số trẻ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có người thân mắc bệnh này, tình trạng này do di truyền hoặc do thói quen sinh hoạt chung. Việc điều trị bệnh bằng cách dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục nhiều hơn và duy trì cân nặng vừa phải.
Triệu chứng của bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến trẻ em
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường ở trẻ em, thanh thiếu niên hay người lớn đều giống nhau, tuy nhiên có xu hướng phát triển nhanh chóng trong vài tuần đối với trẻ em. Trong khi đó, các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 phát triển chậm hơn, có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm để có thể chẩn đoán chính xác.
Triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1
Các triệu chứng chính của bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em bao gồm:
- Khát nước và đi tiểu nhiều.
- Đói, sụt cân.
- Mệt mỏi, khó chịu.
- Hơi thở có mùi trái cây.
- Mờ mắt.
Một số người có thể bị nhiễm toan đái tháo đường (DKA) tại thời điểm chẩn đoán. Điều này xảy ra khi cơ thể bắt đầu đốt cháy chất béo để lấy năng lượng do thiếu insulin. Đây là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời. Do vậy, các bậc cha mẹ nên nhận biết 4 triệu chứng chính của tiểu đường tuýp 1 ở trẻ nhằm đưa trẻ đi điều trị sớm:
- Thấy trẻ đi vệ sinh nhiều bất thường: Trẻ có thể sử dụng nhà vệ sinh thường xuyên hơn.
- Trẻ khát nước nhiều hơn: Trẻ có thể uống nhiều nước hơn bình thường nhưng cảm thấy không thể làm dịu cơn khát.
- Mệt mỏi: Trẻ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường.
- Người gầy hơn: Trẻ bị sụt cân bất thường.
Triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường có các triệu chứng chính như:
- Đi tiểu nhiều vào ban đêm.
- Khát nước nhiều hơn.
- Mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân.
- Vết thương lâu lành, dễ bị nhiễm trùng.
- Mờ mắt.
- Xuất hiện các mảng da sẫm màu.
Cha mẹ cần đưa con đến bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào ở trên.
Trẻ em khi mắc bệnh tiểu đường thường gặp 4 triệu chứng chính, nhưng nhiều trẻ chỉ xuất hiện rõ một hoặc hai triệu chứng. Trong một số trường hợp, chúng có thể không có triệu chứng gì cả. Vậy nên, nếu trẻ đột nhiên khát nước, mệt mỏi hoặc đi tiểu nhiều hơn bình thường nếu không phải do các bệnh đang có sẵn thì bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời. Chúng ta nên thực hiện các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến trẻ em như tạo thói quen ăn uống lành mạnh kết hợp tập luyện thể dục thường xuyên. Cách tốt nhất là bạn cần tạo thói quen tốt cho cả gia đình vì điều này không chỉ ngăn ngừa bệnh mà còn tốt cho sức khỏe của con bạn và gia đình bạn ở hiện tại và tương lai.
Xem thêm: Hậu quả của bệnh tiểu đường, chớ nên chủ quan!