Hiện nay, tình trạng tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em ngày càng gia tăng. Với sự phát triển của xã hội, nhu cầu của con người ngày càng cao, trẻ em cũng nhận được đầy đủ mọi chất dinh dưỡng từ mọi nguồn thực phẩm đa dạng. Tuy nhiên, mặt trái của tình trạng này khiến số trẻ tăng cân béo phì ngày càng nhiều và đây là yếu tố nguy cơ chủ yếu dẫn tới bệnh tiểu đường tuýp 2. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của trẻ. Vậy cần có các biện pháp nhằm phòng ngừa bệnh tiểu đường cho trẻ.
Những yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em
Cân nặng
Tỷ lệ trẻ em béo phì và thừa cân đang tăng lên nhanh chóng ở Việt Nam và có xu hướng tăng nhanh theo độ tuổi, từ 7% ở trẻ dưới 5 tuổi và 19% ở trẻ từ 5-19 tuổi. Phần lớn trẻ bị thừa cân béo phì là trẻ em trai sống ở khu vực thành thị và nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào thì tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 1,9 triệu trẻ em béo phì.
Đây là tình trạng làm tăng nguy cơ trẻ tiểu đường do kháng insulin. Insulin là một hormon quan trọng giúp cân bằng lượng đường trong máu. Kháng insulin là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em và người lớn. Một số tình trạng liên quan đến thừa cân như huyết áp cao và cholesterol cao cũng có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin. Vậy nên, nếu trẻ đang có dấu hiệu béo phì bạn nên thực hiện các biện pháp nhằm giúp con đạt được cân nặng khỏe mạnh.
Ít hoạt động thể chất
Việc ít hoạt động thể chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Các hoạt động tích cực như tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn và giảm nguy cơ thừa cân.
Tuổi
Bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em thường được chẩn đoán ở tuổi thiếu niên. Một nguyên nhân chủ yếu là do hormone ở tuổi dậy thì khiến cơ thể khó sử dụng insulin hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với bé gái, đây là đối tượng có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hơn các bé trai.
Một số yếu tố khác
Một số nguyên nhân khác bắt nguồn từ một số yếu tố như:
- Một số thành viên gia đình mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Được sinh ra từ người mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
- Có thể do mắc bệnh huyết áp cao hoặc cholesterol cao.
Nếu con bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào được liệt kê ở trên, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ đồng thời kiểm tra thường xuyên lượng đường trong máu của con. Việc kiểm tra thường bắt đầu lúc 10 tuổi hoặc khi bắt đầu dậy thì.
Cách phòng bệnh tiểu đường tuýp 2 cho trẻ em
Chúng ta nên hành động để ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 khi con còn nhỏ. Trước tiên người cần thay đổi là các bậc cha mẹ, bạn nên tạo một thói quen lành mạnh trong lối sinh hoạt và ăn uống của cả gia đình. Việc bắt đầu sớm có thể giúp trẻ phát triển những thói quen lành mạnh suốt đời, dưới đây là một số phương pháp hữu ích bạn có thể tham khảo:
Thiết kế bữa ăn lành manh
- Uống nhiều nước trắng hơn và sử dụng ít đồ uống có đường hơn.
- Ăn nhiều trái cây và rau quả.
- Nên sử dụng những nguyên liệu lành mạnh hơn như ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và nhiều rau hơn.
- Cho trẻ tham gia vào việc chế biến những bữa ăn lành mạnh hơn.
- Cho trẻ dùng bữa tại bàn ăn cùng gia đình thay vì sử dụng màn hình điện tử.
- Dạy con cách đọc nhãn sản phẩm.
- Khen thưởng cho trẻ bằng lời khen hay món quà thay vì thức ăn vặt có nhiều calo và carb.
Tập thể dục
- Bạn nên đặt mục tiêu cho con bạn hoạt động thế chất 60 phút mỗi ngày (có thể chia ra tập luyện trong ngày).
- Làm cho hoạt động thể chất trở nên thú vị hơn bằng cách thử những điều mới kèm theo những phần thưởng động viên.
- Hỏi trẻ xem những hoạt động nào chúng thích nhất.
- Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử.
- Lên kế hoạch cho những chuyến đi chơi năng động như đi bộ, đi bộ đường dài hoặc đi xe đạp.
- Biến công việc nhà thành trò chơi và có những giải thưởng lành mạnh.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em là một tình trạng đáng báo động hiện nay. Vậy nên, mỗi chúng ta cần thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng này, cách tốt nhất là nên thay đổi thói quen sống trong mỗi gia đình. Bố mẹ thường là tấm gương cho mỗi đứa trẻ và một lối sống lành mạnh không những ngăn ngừa được bệnh tiểu đường tuýp 2 mà còn tạo một cuộc sống khỏe mạnh về sau cho những thế hệ tương lai.
Xem thêm: Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đối với thai nhi.