Quản lý đường huyết khi trẻ bị tiểu đường

những loại tiểu đường ảnh hưởng đến trẻ em

Khi trẻ bị tiểu đường, bạn cần kiểm soát đường huyết và giữ cho lượng đường trong máu của con bạn ở mức khỏe mạnh. Khi kiểm soát tốt lượng glucose trong máu, nghĩa là đã kiểm soát được bệnh tiểu đường. Glucose là một loại đường có trong thực phẩm chúng ta ăn, đồng thời nó cũng được hình thành và lưu trữ bên trong cơ thể. Đây là nguồn năng lượng chính cho các tế bào của cơ thể hoạt động và được vận chuyển qua đường máu. Trường hợp lượng đường trong máu quá cao trong thời gian dài có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

trẻ bị tiểu đường

Điều gì xảy ra nếu lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp?

Ngay cả khi bạn tuân thủ theo kế hoạch chăm sóc và kiểm tra lượng đường trong máu của con bạn một cách cẩn thận, đôi khi trẻ vẫn có thể có lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp.

Ví dụ, con bạn đã vô tình ăn quá nhiều vào một ngày lễ đặc biệt hoặc tập thể dục nhiều hay ít hơn bình thường điều này làm thay đổi lượng đường trong máu. Khi lượng đường trong máu của một người xuống quá thấp, nó được gọi là hạ đường huyết và tình trạng này cần được điều trị ngay lập tức. Trong trường hợp lượng đường trong máu tăng quá cao thì được gọi là tăng đường huyết, nếu để tình trạng kéo dài và không được điều trị kịp thời có thể chuyển thành nhiễm toan đái tháo đường, lúc này cần cấp cứu kịp thời. Vì vậy, việc duy trì đường huyết ở mức lành mạnh sẽ giúp ích về sức khỏe cho con bạn ở hiện tại và trong tương lai.

Điều gì ảnh hưởng đến lượng đường trong máu?

Nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Một số nguyên nhân khó kiểm soát như bệnh tật, căng thẳng,.. Ngoài ra, có những nguyên nhân khác mà trẻ có thể học cách kiểm soát chẳng hạn như thực phẩm, thuốc men và tập thể dục. Dưới đây là một số yếu tố chính ảnh hưởng đến lượng đường trong máu khi trẻ bị tiểu đường:

  • Đồ ăn: Carbohydrate trong thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu một cách tự nhiên. Vì vậy, cần lựa chọn thực phẩm phù hợp với tình trạng của con bạn.
  • Insulin: Thuốc trị tiểu đường như insulin làm giảm lượng đường trong máu, điều này sẽ gây nguy hiểm cho trẻ nếu không sử dụng insulin đúng liều lượng.
  • Tập thể dục: Duy trì hoạt động thể dục là điều tuyệt vời đối với trẻ bị tiểu đường. Tập thể dục giúp giảm lượng đường trong máu và giữ cho trẻ khỏe mạnh.

Lượng đường trong máu được đo như thế nào?

Việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường phụ thuộc vào đường huyết của người bệnh. Con bạn cũng vậy và trẻ nên được đo đường huyết thường xuyên bằng những cách như:

  • Đo lượng đường trong máu hằng ngày: Đây là chỉ số đường huyết được đo trong ngày, thường hay sử dụng máy đo đường huyết hoặc máy đo đường huyết liên tục.
  • Đo lượng đường trong máu trong vài tháng qua: Cứ sau vài tháng, bạn nên đưa con đến cơ sở có chuyên môn để được xét nghiệm máu đo chỉ số HbA1c. Kết quả sẽ cho thấy tần suất đường huyết của con bạn ở trong hay ngoài phạm vi khỏe mạnh trong khoảng 2-3 tháng trước khi xét nghiệm.

Điều quan trọng là sau khi kiểm tra đường huyết cho con, bạn nên dựa vào các chỉ số thu được để lên kế hoạch ăn uống và sinh hoạt cho phù hợp.

Làm thế nào để quản lý đường huyết khi trẻ bị tiểu đường?

Đối với mỗi đứa trẻ bị tiểu đường, việc đạt được đường huyết ở mức lành mạnh trong giai đoạn đầu có thể là một thách thức. Nhưng theo thời gian, bạn và con sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp cho vấn đề này, dưới đây là một số lời khuyên bổ ích giúp gia đình bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này:

  • Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về bệnh tiểu đường và lên kế hoạch chăm sóc trẻ.
  • Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia về dinh dưỡng và tiểu đường.
  • Kiểm tra lượng đường trong máu của con thường xuyên.
  • Trong trường hợp con đang dùng thuốc và insulin cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
  • Cung cấp các bữa ăn lành mạnh cho con.
  • Khuyến khích con bạn hoạt động thể chất thường xuyên.
  • Tạo những thói quen lành mạnh giúp con tự kiểm soát tốt bệnh tiểu đường của chúng.

Có thể khi nhận được kết quả khám bệnh của con bạn sẽ khá sốc, nhưng đừng quá lo lắng. Bạn là chỗ dựa vững chắc nhất cho con lúc này, vậy nên hãy cố gắng cập nhật kiến thức về tiểu đường cũng như lên kế hoạch chi tiết cho gia đình bạn ngay từ bây giờ. Chúng ta không chỉ là người chăm sóc mà còn là người bạn có thể tâm sự và giúp trẻ thấu hiểu hơn về tình trạng của mình. Khi trẻ bị tiểu đường, điều này đồng nghĩa với trẻ cần thực hiện một chế độ ăn uống và sinh hoạt nghiêm ngặt hơn, vậy nên hãy luôn theo dõi và đồng hành cùng con nhằm tạo một sức khỏe tốt ở hiện tại và tương lai.

Xem thêm: Tại sao chúng ta lại mắc bệnh tiểu đường?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *