Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một căn bệnh kéo dài suốt đời khiến cơ thể không thể sử dụng insulin đúng cách. Những người ở độ tuổi trung niên trở lên có nhiều khả năng mắc bệnh này nhất. Nó từng được gọi là bệnh tiểu đường khởi phát ở người trưởng thành hoặc đái tháo đường. Tuy nhiên, ngày nay bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng phổ biến ở hơn trẻ em và thanh thiếu niên do tỷ lệ béo phì ngày càng gia tăng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn cũng như đưa ra các đánh giá về mức độ nặng hay nhẹ của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Dịch tễ bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng insulin hiệu quả – insulin là một loại hormone điều hòa lượng đường trong máu. Tăng đường huyết là hậu quả phổ biến của bệnh tiểu đường không kiểm soát, theo thời gian dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu.
Theo thống kê của hiệp hội phòng chống đái tháo đường thế giới, năm 2021 trên thế giới tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở người trưởng thành là hơn 1/10, vào những năm gần đây con số này cũng đang tăng khá nhanh. Tỷ lệ mắc bệnh ở những người từ 20 đến 79 tuổi đã tăng gấp 3 lần trong vòng 15 năm qua, đồng thời chi phí y tế cũng tăng lên.
Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh đang gia tăng nhanh và các biến chứng của bệnh khá phổ biến do được chẩn đoán và điều trị muộn. Hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường, trong đó có hơn 55% bệnh nhân có biến chứng bao gồm 34% biến chứng tim mạch, 39,5% biến chứng về mắt và thần kinh, 24% biến chứng về thận.
Từ những số liệu dịch tễ trên cho thấy bệnh tiểu đường tuýp 2 là căn bệnh đáng báo động, cần được kiểm soát và ngăn ngừa rộng rãi.
Bệnh tiểu đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2 ảnh hưởng đến chuyển hóa đường trong cơ thể. Nó ngăn cơ thể sử dụng insulin đúng cách, có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao nếu không được điều trị. Theo thời gian bệnh có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể phòng ngừa được. Các yếu tố góp phần phát triển bệnh bao gồm thừa cân, không tập thể dục đầy đủ và yếu tố di truyền. Chẩn đoán sớm là bước đầu quan trọng để ngăn ngừa những biến chứng của bệnh.
Cách tốt nhất để phát hiện điều trị bệnh sớm là kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm máu thường xuyên. Các triệu chứng của bệnh có thể nhẹ, không được phát hiện sớm và phải mất vài năm để có thể chẩn đoán sau khi bệnh khởi phát.
Triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 2
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường có thể xảy ra đột ngột. Ở bệnh tiểu đường tuýp 2, các triệu chứng có thể nhẹ và mất nhiều năm mới phát hiện được. Các triệu chứng này bao gồm:
- Cảm thấy rất khát.
- Muốn đi tiểu thường xuyên hơn bình thường.
- Mờ mắt.
- Cảm thấy mệt mỏi.
- Sụt cân không chủ ý.
Theo thời gian, nếu không được điều trị, bệnh có thể làm tổn thương các mạch máu ở tim, mắt, thận và dây thần kinh. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe cao hơn bao gồm đau tim, đột quỵ và suy thận. Bệnh tiểu đường có thể gây mất thị lực vĩnh viễn do làm tổn thương các mạch máu trong mắt . Nhiều người mắc bệnh tiểu đường gặp vấn đề ở bàn chân do tổn thương thần kinh và lưu lượng máu kém, điều này có thể gây loét bàn chân, để lâu dẫn đến cắt cụt chi.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể được cho là một bệnh nặng nếu không được điều trị dẫn tới các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân vẫn sống rất tốt với bệnh do họ có thói quen sống lành mạnh và tuân thủ các mục tiêu về đường huyết. Vậy nên, nếu bị bệnh tiểu đường tuýp 2 bạn không nên quá lo lắng về tình trạng của bệnh mà hãy tuân thủ kế hoạch điều trị bệnh. Thay đổi lối sống là cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của bệnh. Để giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường cũng như các biến chứng của nó, bạn nên:
- Đạt và giữ trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
- Duy trì tập luyện thể chất với ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Ăn chế độ ăn uống lành mạnh, tránh đường và chất béo bão hòa.
- Không hút thuốc lá.
Xem thêm:Dấu hiệu bệnh tiểu đường (dkbetics.com)