Đái tháo đường hay tiểu đường là một căn bệnh mạn tính đang ngày càng trở nên phổ biến. Có hai loại đái tháo đường chính là type 1 và type 2. Dù đều biểu hiện làm tăng lượng đường trong máu của bệnh nhân, một số đặc điểm của 2 loại bệnh này lại tương đối phân biệt. Cùng tìm hiểu sự khác nhau giữa đái tháo đường type 1 và type 2 trong bài viết này nhé!
Tổng quan về đái tháo đường type 1 và type 2
Đái tháo đường type 1 là tình trạng tự miễn dịch, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm và phá hủy các tế bào trong tuyến tụy sản xuất insulin, một loại hormone giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Do đó, cơ thể người mắc bệnh đái tháo đường type 1 không thể tự sản xuất insulin và cần phải bổ sung hormone này từ bên ngoài để kiểm soát được lượng đường trong máu.
Đái tháo đường type 2, mặt khác, là tình trạng cơ thể người bệnh không thể sử dụng insulin đúng cách, được gọi là kháng insulin. Mặc dù tuyến tụy vẫn sản xuất đủ insulin, nhưng các tế bào trong cơ thể không thể sử dụng nó một cách hiệu quả, dẫn đến lượng đường trong máu không được hấp thụ vào các tế bào và trở nên cao bất thường.
Dù có nhiều sự khác nhau giữa đái tháo đường type 1 và type 2 về nguyên nhân, người bệnh của cả 2 type thường có một số biểu hiện tương đối giống nhau, có thể kể đến như:
- Hay khát nước và đi tiểu thường xuyên.
- Cơ thể mệt mỏi và suy nhược.
- Giảm cân ngoài ý muốn.
- Suy giảm thị lực, mờ mắt.
- Tê hoặc ngứa ran ở lòng bàn tay hoặc bàn chân.
- Chậm lành vết thương hoặc dễ bị nhiễm trùng…
Sự khác nhau giữa đái tháo đường type 1 và 2
Có thể thấy đái tháo đường type 1 và 2 đều tác động làm tăng chỉ số đường huyết và gây ra các triệu chứng gần như tương tự nhau. Dù vậy, ta vẫn có thể phân biệt 2 loại tiểu đường này dựa vào một số điểm khác biệt sau:
2.1. Nguyên nhân
Đái tháo đường type 1 là bệnh tự miễn dịch trong đó cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào trong tuyến tụy sản xuất insulin, vì thế glucose không thể di chuyển từ trong máu vào trong các tế bào, gây tăng chỉ số đường huyết. Mặt khác, bệnh tiểu đường loại 2 chủ yếu là do kháng insulin, trong đó các tế bào của cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả, mặc dù lượng hormone này được tiết ra vẫn đầy đủ.
2.2. Tuổi khởi phát
Bệnh tiểu đường loại 1 thường được chẩn đoán ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên, những người ở độ tuổi dưới 30 và có thể trạng gầy gò. Ngược lại, đái tháo đường type 2 hay gặp nhất ở những người lớn tuổi, béo phì. Tuy nhiên nó đang trở nên phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi do tỷ lệ béo phì và lối sống ít vận động ngày càng gia tăng.
2.3. Triệu chứng khởi phát
Đối với đái tháo đường type 1, thông thường các triệu chứng sẽ xuất hiện rất rầm rộ, thường chỉ trong vài ngày đến vài tuần. Kể từ khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như ăn, uống rất nhiều, khát nhiều và đi tiểu nhiều lần. Những người mắc tiểu đường loại này thường bị sụt cân rất nhanh chóng.
Không giống như đái tháo đường type 1, tiểu đường type 2 phát triển rất chậm, trong một khoảng thời gian dài nhiều năm và có thể không có bất kỳ triệu chứng nào khi khởi phát. Chính vì vậy, rất khó để bệnh nhân có thể phát hiện và các triệu chứng thường chỉ rõ ràng khi bệnh đã trở nặng hoặc xuất hiện các biến chứng. Ngoài ra, những người mắc đái tháo đường type 2 thường có dấu hiệu tăng cân, ngược lại với đái tháo đường type 1.
2.4. Nhiễm ceton trong máu và nước tiểu
Bệnh nhân mắc đái tháo đường type 1 khi xét nghiệm sẽ cho kết quả dương tính với ceton, một số trường hợp còn bị nhiễm ceton rất nặng. Ngược lại, bệnh nhân đái tháo đường type 2 thường không nhiễm ceton khi xét nghiệm.
2.5. Điều trị
Mặc dù cả hai loại bệnh tiểu đường đều cần kiểm soát cẩn thận lượng đường trong máu, nhưng lại có sự khác nhau giữa đái tháo đường type 1 và type 2 trong phương pháp điều trị. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 bắt buộc phải bổ sung insulin (thường qua hình thức tiêm) để kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
Trong khi đó, những người mắc đái tháo đường type 2 có thể điều trị thông qua thay đổi lối sống như chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên… Nếu phương pháp này không hiệu quả thì có thể sử dụng thuốc hạ đường huyết hoặc tiêm insulin nếu cần.
2.6. Phòng bệnh
Hiện nay thì chưa có phương pháp hiệu quả để phòng bệnh đái tháo đường type 1. Các mẹ bầu nên lưu ý kiểm soát lượng đường đưa vào trong cơ thể trong giai đoạn thai kỳ để tránh nguy cơ dẫn đến đái tháo đường thai kỳ.
Đối với đái tháo đường type 2, xây dựng một chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để ngăn ngừa căn bệnh này. Ngoài ra hãy khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nhất nếu mắc bệnh cũng sẽ giảm mức độ nguy hiểm của loại tiểu đường này đi đáng kể.
Và trên đây là một số sự khác nhau giữa đái tháo đường type 1 và type 2 để phân biệt hai loại bệnh này. Hi vọng bài viết sẽ giúp bạn và gia đình phòng tránh, điều trị bệnh tiểu đường một cách hiệu quả!