Đái tháo đường là một bệnh mạn tính phổ biến, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng triệu bệnh nhân trên khắp thế giới. Vì vậy, nắm được các dấu hiệu của căn bệnh này là điều vô cùng cần thiết để có thể bảo vệ sức khỏe cho bạn và những người xung quanh. Cùng tìm hiểu về những triệu chứng của bệnh đái tháo đường phổ biến nhất và cách xử trí khi gặp phải nhé!
Bệnh đái tháo đường là gì?
Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) là một loại rối loạn chuyển hóa khi cơ thể của bệnh nhân không thể sản xuất hoặc sử dụng được insulin – hormone điều chỉnh đường huyết – một cách hiệu quả. Khi những quá trình này bị suy giảm, glucose sẽ bị tích tụ lại ở trong máu, dẫn đến sự tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao).
Các loại hình phổ biến của bệnh là đái tháo đường type 1 và type 2.
Bệnh tiểu đường type 1 là một chứng rối loạn tự miễn, thường xảy ra ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên, khi hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin ở tụy, dẫn đến việc sản xuất ít hoặc không có hormone này.
Đái tháo đường type 2 là dạng bệnh phổ biến hơn, có thể mắc phải ở cả người lớn và trẻ em, liên quan đến bệnh béo phì hoặc lối sống ít vận động. Loại tiểu đường này xảy ra khi cơ thể kháng insulin hoặc không sản xuất đủ insulin để đáp ứng nhu cầu.
Những triệu chứng của bệnh đái tháo đường phổ biến nhất.
Nắm được các dấu hiệu thường gặp khi mắc bệnh đái tháo đường sẽ giúp bạn phát hiện và điều trị một cách kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. Cùng tham khảo một số triệu chứng của bệnh đái tháo đường phổ biến sau đây nhé:
2.1. Khát nước nhiều hơn và đi tiểu thường xuyên
Khi lượng đường trong máu tăng cao sẽ kích thích thận của bạn đào thải lượng glucose dư thừa trong máu qua đường nước tiểu, dẫn đến tình trạng khát nước liên tục và đi tiểu thường xuyên hơn.
2.2. Cơ thể mệt mỏi và yếu ớt
Khi cơ thể không thể sử dụng hay sản xuất insulin, các tế bào ở cơ quan sẽ không nhận đủ glucose, dẫn đến không thể sản xuất năng lượng hiệu quả. Điều này có thể gây ra triệu chứng mệt mỏi và suy nhược.
2.3. Mờ mắt, giảm tầm nhìn
Thông thường, thủy tinh thể của mắt có thể biến đổi linh hoạt để nhìn các vật thể ở các khoảng cách khác nhau. Tuy nhiên, lượng đường trong máu ở mức cao có thể khiến thủy tinh thể bị sưng lên, dẫn đến mờ mắt. Triệu chứng này chỉ là tạm thời và có thể cải thiện được khi kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Tuy nhiên theo thời gian, đái tháo đường cũng có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ trong mắt, dẫn đến tình trạng bệnh võng mạc tiểu đường. Biến chứng này có thể gây giảm thị lực hoặc mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
2.4. Khả năng lành vết thương chậm, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng
Lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu, khiến cơ thể khó chữa lành vết thương và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn, chẳng hạn như nhiễm trùng nướu, da hay âm đạo…
2.5. Tê, ngứa ran ở lòng bàn tay hoặc bàn chân
Khi mắc bệnh đái tháo đường, các dây thần kinh sẽ bị tổn thương, dẫn đến cảm giác tê hoặc ngứa ran ở nhiều vị trí, đặc biệt là bàn tay hoặc bàn chân…
2.6. Tăng cảm giác đói và giảm cân không ngừng
Đây là một triệu chứng của bệnh đái tháo đường rất hay gặp. Các tế bào khi không nhận đủ glucose để thực hiện chức năng cũng sẽ khiến cho bạn dễ cảm thấy đói hơn, kể cả khi bạn mới vừa ăn gần đó. Cơ thể cũng sẽ bắt đầu sử dụng chất dự trữ, thậm chí phá hủy cơ để bù đắp phần năng lượng thiếu hụt, dẫn đến việc giảm cân không ngừng.
Nên làm gì khi xuất hiện triệu chứng của bệnh đái tháo đường?
Khi xuất hiện triệu chứng của bệnh đái tháo đường, việc đầu tiên bạn cần làm là kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán một cách chính xác. Nếu không may mắn mắc bệnh, dưới đây là một số bí quyết giúp quá trình điều trị tiểu đường của bạn trở nên hiệu quả hơn:
- Theo dõi lượng đường trong máu: Thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu của bạn để theo dõi hiệu quả của liệu trình cũng như các phương pháp hỗ trợ điều trị khác bạn đã thực hiện.
- Dùng thuốc theo chỉ định: Nếu bạn đã được kê đơn thuốc để kiểm soát triệu chứng của bệnh tiểu đường, hãy đảm bảo sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và dược sĩ kê đơn. Tuyệt đối không sử dụng thuốc hay các sản phẩm điều trị khác một cách bừa bãi.
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ biến chứng bệnh tiểu đường.
- Tập thể dục thường xuyên, bỏ các thói quen xấu: Tập thể dục thường xuyên và từ bỏ các thói quen xấu có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm.
Hi vọng với những thông tin về triệu chứng của bệnh đái tháo đường trên, bạn có thể bảo vệ sức khỏe thật tốt cho bản thân và gia đình.