Tiền đái tháo đường là tình trạng chỉ số đường huyết của bệnh nhân cao hơn mức bình thường, tuy nhiên vẫn chưa đủ để phân loại thành bệnh tiểu đường. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tiền đái tháo đường là gì, cách phát hiện triệu chứng, chẩn đoán và phòng tránh bệnh như thế nào nhé!
Tiền đái tháo đường là gì?
Tiền đái tháo đường hay còn gọi là rối loạn dung nạp glucose, xuất phát từ tình trạng rối loạn sản xuất và suy giảm độ nhạy của hormone insulin. Hậu quả là làm tăng lượng đường trong máu của bệnh nhân. Thông thường khi đói bụng, chỉ số đường huyết của người khỏe mạnh là khoảng 70-100 mg/dL. Ở người mắc tiền đái tháo đường, chỉ số này rơi vào khoảng từ 100-125 mg/dL.
Mức độ chỉ số này chưa đủ để phân loại thành bệnh tiểu đường. Tuy nhiên nếu không được điều trị, tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường type 2, từ đó có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như bệnh tim, đột quỵ, tổn thương thận và tổn thương thần kinh…
Nguyên nhân và triệu chứng của tiền đái tháo đường là gì?
Nguyên nhân gây ra tiền đái tháo đường
Tuy nguyên nhân vẫn chưa được tìm hiểu và xác định chính xác, một số yếu tố được cho là gây ra tiền đái tháo đường có thể kể đến như:
- Thừa cân hoặc béo phì: Thừa cân, đặc biệt là ở vùng bụng, có thể làm tăng tình trạng kháng insulin, dẫn đến chỉ số đường huyết cao hơn.
- Thiếu hoạt động thể chất: Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin, từ đó làm giảm lượng đường trong máu.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Chế độ ăn nhiều đường, carbohydrate qua tinh chế và các chất béo bão hòa có thể góp phần gây ra tình trạng kháng insulin, làm tăng lượng đường trong máu.
- Yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường type 2 hoặc tiền tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
Triệu chứng bệnh tiền đái tháo đường
Đa số những người mắc tiền đái tháo đường thường không có triệu chứng gì đặc biệt xuất hiện, đây là lý do khiến bệnh này rất khó để chẩn đoán. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bệnh có thể xuất hiện những biểu hiện như:
- Hay khát nước.
- Đi tiểu thường xuyên hơn.
- Mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
- Mắt bị mờ, giảm thị lực.
- Da bị sẫm màu ở một số vị trí như cổ, nách, bẹn…
Cách cải thiện và phòng tránh tiền đái tháo đường
Tiền đái tháo đường không phải một căn bệnh nguy hiểm nếu được điều trị hợp lý và kịp thời. Bạn có thể cải thiện tình trạng này một cách đơn giản nhờ duy trì những thói quen sống lành mạnh như:
- Giảm cân: Chỉ cần giảm 5-10% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm đáng kể tình trạng kháng insulin và giảm lượng đường trong máu.
- Tập thể dục: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin, giảm lượng đường trong máu và giảm nguy cơ phát triển bệnh thành đái tháo đường type 2. Bạn nên duy trì một cường độ vận động phù hợp với bản thân và có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nếu cần thiết.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Một thực đơn gồm nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe như ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả, rau củ giàu chất xơ, hạn chế các đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ… có thể giúp cải thiện tình trạng tiền đái tháo đường một cách rõ rệt.
- Hạn chế tối đa thuốc lá, rượu bia : Hút thuốc và các đồ uống có cồn có thể làm tăng kháng insulin và góp phần vào sự hình thành của bệnh tiểu đường type 2.
Ngoài ra, để phòng tránh bệnh tiền đái tháo đường, khám sức khỏe định kỳ là điều vô cùng cần thiết. Quá trình khám sẽ bao gồm kiểm tra lượng đường trong máu, từ đó giúp bệnh nhân phát hiện sớm tiền tiểu đường và ngăn ngừa kịp thời tình trạng tiến triển thành đái tháo đường.
Người trên 45 tuổi nên kiểm tra đường huyết định kỳ 3 lần/ năm. Nếu bạn có những dấu hiệu của tiền tiểu đường, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám kịp thời. Người bệnh có thể sẽ được xét nghiệm máu đo lượng đường huyết tương lúc đói hoặc nồng độ huyết sắc tố A1C… để xác định chính xác tình hình sức khỏe của mình.
Trên đây là một số giải đáp cho câu hỏi “Tiền đái tháo đường là gì?”. Hi vọng, bài viết có thể giúp bạn phòng tránh hiệu quả căn bệnh này cũng như ngăn ngừa nguy cơ mắc phải đái tháo đường type 2.
Truy cập để biết thêm nhiều thông tin về bệnh đái tháo đường hơn nhé!